Hoài niệm chợ thôn quê dân dã trên thế đất hình con quạ

Chợ quê ngày ấy giản dị chân quê mà ấm tình làng nghĩa xóm, bà con đến chợ mua mua, bán bán, gặp gỡ nhau câu chuyện ân tình vui vẻ.

Hàng hóa trong chợ chủ yếu là các sản phẩm thôn quê. Ảnh: Thế Tuân

Tương truyền rằng vào năm Tự Đức bát niên (1884) có ông Trần Đức Cảnh quê ở Thái Bình là người chuyên đi bán vải ở khắp nơi, khi đi qua làng Tiên Khoán, xã An Nội, Bình Lục, Hà Nam vốn là người biết về phong thủy nên khi nhìn thấy làng có giếng Cô Tiên, ông đoán rằng: Đất này tất sẽ sinh ra người đẹp.

Khi nhìn thấy thế đất có hình giống con quạ, ông đoán đất này tất có chợ. Ít lâu sau ông về quê Thái Bình chuyển cả gia đình, dòng họ sang làng Tiên Khoán xã An Nội để lập nghiệp. Cũng từ đó chợ Quán Tiên được hình thành trên nền đất trống, là nơi giao lưu buôn bán sản vật của địa phương trong vùng.

Thời gian sau thì chợ Quán Tiên di chuyển về Miễu Bùi cách chợ cũ 1 km. Miễu Bùi xưa là nơi đất đẹp, trên bến dưới thuyền, rất thuận lợi cho việc giao thương buôn bán. Ngay giữa chợ có cây đa cổ thụ cũng có tích kể rằng ông Cù Thánh Công người ở làng An Nội, sau khi đi thi về, ngồi trên bến đò Miễu Bùi này ông đã đem cây đa về trồng tại đây. Sau bao năm cây Đa đã trở thành cây cổ thụ 3- 4 người ôm mới xuể.

Ngay dưới tán cây đa là quán nước của cụ Vẽ. Cụ ông làm nghề may mặc, cụ bà bán quán nước với chiếc bàn tre, ghế cũng bằng thân 2 cây tre ghép lại. Cụ là người vui vẻ xởi lởi, quán cụ bán mấy lọ kẹo vừng, kẹo lạc, thuốc lào, thuốc lá cuộn, bát nước chè tươi... Vậy mà khách đến quán câu chuyện cứ rôm rả...

Đối diện quán nước cụ Vẽ dãy bên kia đường là quán thợ may của cụ Trường, quán lò rèn ngày đêm đỏ lửa quai bễ của cụ Lạp, cụ Điều. Kế bên là HTX mua bán mậu dịch có ông Sinh, bà Tê, quán ông bán hàng rổ rá, đan tre...

Chợ Quán Tiên thường họp vào các buổi sáng, chợ họp các phiên ngày 1, 2, 3, 5, 6,7,9 hàng tháng. Đây là nơi có địa thế trên bến dưới thuyền nên các phiên chợ rất đông vui tấp nập, kẻ bán người mua, sản phẩm chủ yếu là mặt hàng thôn quê: Gạo, rau, khoai lang, cá, thúng, xảo, rổ, rá đan tre, chợ còn bán cả gánh bèo cái chỉ với giá 5 hào một gánh bèo đắp đầy đến cổ quang.

Các hàng rau củ quả ở đồng bãi Hưng Công, Ngọc Lũ cũng mang về chợ để bán. Quà quê lúc ấy cũng có đủ cả như quán bà Bang, bà Tửu, bà Ngọ bán bánh đa, ngô rang, bà Chẩn, bà Tiếp bán bún câu Trung, bà Lễ thì chuyên bán chuối... trẻ con thời ấy thường tung tăng theo bà, theo mẹ cắp rổ rá đi chợ mua hàng để con ké đồng quà, tấm bánh. Quà trẻ con lúc đó chỉ là 5 xu kẹo vừng, 1 hào 1 chiếc bánh đa, 1 hào 1 chiếc kẹo rồi chó, 2 hào một chiếc bánh nướng... thế mà đứa nào cũng hớn hở nhảy chân sáo theo người lớn đi chợ.

Chợ quê ngày ấy giản dị chân quê mà ấm tình làng nghĩa xóm, bà con đến chợ mua mua, bán bán, gặp gỡ nhau câu chuyện ân tình vui vẻ. Đi chợ quê xưa ai cũng xách làn cói, cắp thúng rổ, cá thì xâu vào lạt giang, rơm nếp, cua đóng thành xóc để bán, bún bánh thì gói bằng lá rong, lá sen, lá chuối... chứ chẳng có túi nilon như bây giờ nên cũng đỡ phần ô nhiễm môi trường.

Anh Trần Văn Hợi con cụ Vẽ người từng sinh ra và lớn lên ngay trên đất chợ Quán Tiên này, tuổi thơ của anh gắn liền với chợ quê có bao nhiêu kỷ niệm. Anh cho biết: Năm 1972 Mỹ ném bom miền Bắc, chợ Quán Tiên được xã chuyển về Cầu Gừng, rồi xây dựng thành chợ mới An Nội bây giờ.

Thế là từ đấy đến nay Miễu Bùi không còn là nơi họp chợ, quê hương đổi mới, kênh mương, cầu cống xây dựng tiêu thoát nước nên mùa tháng 8 Miễu Bùi không còn là nơi trên bến dưới thuyền nữa. Năm 2005 cây đa cổ thụ xưa kia cũng bị mối xông và lụi tàn. Để nhớ về nơi chợ cũ đầy kỷ niệm anh Hợi đã trồng ngay trên nền gốc cây đa cũ là cây cau nếp. Mỗi khi có khách đến chơi nhà, anh lại ra vườn hái quả cau lá trầu vào mời khách với dăm ba câu chuyện quê chân tình cởi mở.

Thế hệ tuổi thơ chúng tôi cũng như anh Hợi luôn đầy ắp bao kỷ niệm về chợ Quán Tiên. Giờ đây những ông bà từng bán hàng ở chợ Quán Tiên xưa nay người còn, người mất, quê hương đang đổi thay từng ngày. Song ai cũng luôn hoài niệm về phiên chợ quê ấm áp tình người, nơi thôn quê dân dã mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đồng chiêm trũng An Nội – Bình Lục quê tôi.

Kim Dung

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/du-lich/hoai-niem-cho-thon-que-dan-da-tren-the-dat-hinh-con-qua-751641.html