Hoan hô: Chuyện cổ tích bí thư đi 'tết' doanh nghiệp

Năm ngoái, từ mạng xã hội tới quán trà chanh vỉa hè tràn ngập 2 chữ “xấu hổ” khi vụ JTC đưa hối lộ 11 tỉ đồng cho 6 quan chức đường sắt được đưa ra xét xử.

Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Xấu hổ, vì trước đó, họ từng cam kết, từng thề thốt là không có chuyện nhận tiền.

Xấu hổ, vì ở cái thế người nhận và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA, họ nại khó, nại khổ để đòi tiền từ những người viện trợ.

Dẫu việc viện trợ ODA sau đó được người Nhật nối lại, dẫu mấy chục năm tù đã được tuyên cho các cựu quan chức, nhưng như thế là không đủ để khỏa lấp nỗi buồn, xấu hổ, hay sự tổn thương không phải chỉ với những cá nhân đơn lẻ.

Tôi nhớ tới vụ JTC, tới nỗi xấu hổ ngập tràn bấy giờ khi hôm qua đọc trên báo câu chuyện Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến “đi tết doanh nghiệp”.

Chỉ là một cách nói, “một câu chuyện vui”- như lời ông Chiến - ở nghĩa một quan chức đầu tỉnh “cảm ơn nhà đầu tư, lặn lội đến với nhà đầu tư, gặp gỡ nói chuyện với nhà đầu tư, rải thảm mời nhà đầu tư”.

Không thể rõ ràng hơn, đây chính là lời giải bài toán lợi ích: Vị bí thư nhìn thấy và hướng tới lợi ích của địa phương, của nhân dân thay vì khăng khăng với mối lợi, với túi tiền riêng.

Dẫu trên lý thuyết đầu tư mang lại việc làm cho người dân, nguồn thu cho địa phương... Nhưng Thanh Hóa từng “rất nặng nề”, thậm chí tai tiếng về chuyện thu hút đầu tư. Có thật tâm lý luôn coi nhà đầu tư đến phải hầu, phải phục vụ những cán bộ có chức, có quyền. Không ngoại trừ những khoản lót tay abc dưới gầm bàn để “được mang tiền đến đầu tư ”. Y xì vụ JTC!

Không nói thì ai cũng biết hiện tượng này có, thậm chí dai dẳng kiểu “ăn vào máu”- không chỉ ở Thanh Hóa.

Chính ông Chiến nhắc lại chuyện khi làm chủ tịch từng đi vận động đầu tư “nhưng người ta không tin nữa, không nghe nữa”. Chính ông Chiến nhìn thấy rằng “cái đó rất nguy hiểm”.

Sự chuyển biến trong nhận thức, và quan trọng hơn là trong hành động của người đứng đầu đang mang lại cho Thanh Hóa một sắc thái mới hiển hiện qua những con số rất ấn tượng: FLC với khoản đầu tư 17.000 tỉ đồng; Vingroup: 10.000 tỉ đồng, Sungroup ký ghi nhớ 10.000 tỉ đồng...

Mới thấy việc sửa đổi tâm lý cố hữu coi doanh nghiệp như “con bò sữa” phải bắt đầu từ người đứng đầu, trong cả lời nói và hành động!

Bí thư đi tết doanh nghiệp! Đúng là một câu chuyện cổ tích, hoặc sẽ được ghi vào cổ tích về sự lãng mạn và đẹp đẽ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/hoan-ho-chuyen-co-tich-bi-thu-di-tet-doanh-nghiep-570839.bld