Hoạt động hỗ trợ, cứu trợ thiên tai phải đúng người, đúng nơi

Sau khi nắm tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả lũ lụt tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Trưởng ban Cứu trợ Trung ương đã có cuộc trao đổi với báo chí về công tác vận động, ủng hộ, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phóng viên (PV): Đồng chí đánh giá hoạt động vận động hỗ trợ và cứu trợ đồng bào vùng lũ thời gian qua như thế nào?

Đồng chí Trần Thanh Mẫn: Trên cơ sở thực tế mức độ thiệt hại của các địa phương, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam không phát động toàn quốc ủng hộ nhân dân bị thiệt hại. Tuy nhiên, với truyền thống, đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã tự nguyện, kịp thời tổ chức quyên góp trong mỗi đơn vị mình. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và 21 ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã tổ chức quyên góp ủng hộ và chuyển về quỹ Trung ương gần 5 tỷ đồng. Tôi đánh giá cao tinh thần chủ động khắc phục hậu quả thiên tai của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và nhân dân tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và các tỉnh miền núi phía Bắc trên tinh thần khắc phục tại chỗ, kịp thời, vì sự an toàn, phục vụ đời sống nhân dân.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn (ngoài cùng, bên trái) thăm hỏi, động viên bà con vùng lũ xã Nậm Păm (Mường La, Sơn La). Ảnh: HƯƠNG DIỆP

PV: Cụ thể tại từng địa phương, công tác cứu trợ ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Thanh Mẫn: Ở địa phương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo. Nhiều đồng chí đến tận hiện trường để thăm hỏi, chỉ đạo các lực lượng công an, quân đội phối hợp tìm người mất tích, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tỉnh Sơn La đã khẩn trương xây dựng khu tái định cư để nhân dân đến ở… Trong mưa lũ, với truyền thống thương yêu, đùm bọc nhau đã xuất hiện nhiều tấm gương quên mình cứu giúp người khác; nhân dân vùng lũ đã chia sẻ mì ăn liền, nước uống để vượt qua khó khăn trong lúc bị chia cắt, cô lập. Tôi cũng đánh giá cao công tác truyền thông đã kịp thời đưa tin về tình hình thiệt hại, hậu quả ghê gớm do lũ quét, lũ ống gây ra, đặc biệt là những hình ảnh xúc động của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tay nắm tay băng mình qua lũ xiết để chuyển lương thực, thực phẩm cho bà con…

Đến nay, Ban Cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận gần 5 tỷ đồng và 2.230USD của 21 bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Chúng tôi đã phân bổ 1,3 tỷ đồng đợt 1 hỗ trợ các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, mỗi tỉnh 200 triệu đồng; Thái Nguyên, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, mỗi tỉnh 100 triệu đồng. Phân bổ đợt 2 cho Sơn La, Yên Bái, mỗi tỉnh 300 triệu đồng. Ngày 18-8, Ban Cứu trợ Trung ương quyết định hỗ trợ đợt 3 cho Sơn La 1 tỷ đồng.

PV:Theo đồng chí, công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới cần lưu ý những vấn đề gì?

Đồng chí Trần Thanh Mẫn: Điều quan trọng nhất là không để nhân dân bị đói, khát; không để trẻ em bỏ học. Đợt lũ quét vừa qua để lại hậu quả nặng nề đối với nhân dân các tỉnh Sơn La, Yên Bái..., trong đó nhiều trường hợp các cháu học sinh có thể không được đi học tiếp. UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Sơn La khẩn trương rà soát các trường hợp vì gia đình bị thiệt hại trong đợt lũ quét mà phải bỏ học, nhất là các cháu đã thi đỗ đại học. Trung ương và địa phương sẽ kịp thời phối hợp hỗ trợ, giúp các cháu tiếp tục được đến trường. Đồng thời, tích cực vận động, thuyết phục bà con đến nơi ở an toàn theo quy định chung của mỗi tỉnh. Về lâu dài, phải quan tâm đến việc quy hoạch chung, đặc biệt là các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở, không an toàn. Vấn đề này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và các địa phương. Việc xây dựng khu tái định cư cần khảo sát kỹ lưỡng, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh nhưng cũng phải bảo đảm về đất sản xuất, nước sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất, về điện, đường, trường, trạm, nhất là phù hợp với tập quán sinh hoạt, làm ăn của bà con. Cần có các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân về cách nhận biết thảm họa lũ ống, lũ quét để phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

PV: MTTQ Việt Nam cần phát huy vai trò ra sao trong các tình huống thiên tai, thảm họa, cứu trợ như vừa qua?

Đồng chí Trần Thanh Mẫn: MTTQ các tỉnh cần nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng, cuộc sống của nhân dân để vận động, ủng hộ, giúp đỡ kịp thời; tham mưu cho tỉnh có các giải pháp căn cơ, lâu dài, bảo đảm an sinh cho nhân dân. Thường xuyên cập nhật tình hình, có báo cáo cụ thể với lãnh đạo tỉnh và Trung ương để Trung ương cùng địa phương có giải pháp hỗ trợ thêm nguồn lực, chung tay, giúp sức, chăm lo cho nhân dân. Việc phân bổ tiền, hàng ủng hộ cần chú ý đúng người, đúng địa điểm, thiết thực, tập trung vào việc hỗ trợ nhà ở, đời sống sinh hoạt, trẻ em đi học; tránh trường hợp người ít, người nhiều, cái hỗ trợ thì dân chưa cần, nhu cầu dân cần thì lại chưa có. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền, MTTQ ở cơ sở, ban công tác mặt trận ở khu dân cư trong việc phân bổ, giám sát việc thực hiện... Công khai rộng rãi kết quả vận động, phân bổ để nhân dân được biết…

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

LONG LƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hoat-dong-ho-tro-cuu-tro-thien-tai-phai-dung-nguoi-dung-noi-516170