Hoạt hình Việt Nam: “Khát” kịch bản hay

(HNM) - Khai trương rạp chiếu phim riêng đầu tiên tại số 7 Trần Phú, hợp tác xây dựng chương trình "Phim hoạt hình đặc sắc" trên VTC11, đưa phim hoạt hình lên cả mạng di động của Mobifone và Viettel, sắp tới là Vinaphone…, đó là những nét nổi bật của hoạt hình Việt thời gian qua. Nhưng ngay trong thời điểm dần tìm được lối ra, hoạt hình Việt cũng cho thấy một chỗ đứng còn đầy bấp bênh trong đời sống văn hóa…

Cạnh tranh trên sân nhà

Phải nói rằng, với những động thái như trên, rõ ràng hoạt hình Việt đang dần tìm lại vị thế trong nước. Nhưng "sân nhà" của giai đoạn hội nhập giờ đây không còn đơn giản như cái thời của "Những bông hoa nhỏ" nữa. Nghệ sĩ đã nhận thấy rõ ràng những nỗ lực của hoạt hình vừa qua vẫn đang như muối bỏ bể.

Sự ra đời của rạp Thánh Gióng (số 7 Trần Phú, Hà Nội) đánh dấu một bước ngoặt lớn của hoạt hình Việt.

Trẻ em chiếm khoảng 40% dân số Việt Nam hiện nay, nhưng thời lượng các chương trình dành cho thiếu nhi nói chung trên sóng phát thanh, truyền hình chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, cao nhất mới có 10,3% và thấp nhất là khoảng 1%. Đấy là nói chung, còn nói riêng cho hoạt hình Việt thì thật thảm, gần như là con số không! Chắc rằng không phải chỉ riêng lỗi của truyền hình, nhất là khi hoạt hình nước nhà đã đánh mất vị thế trong một thời gian dài, và nói như một cán bộ lâu năm trong nghề này thì đã qua rồi thời chúng ta cho khán giả xem phim gì thì họ được xem phim nấy. Đã thế, cuộc đứng dậy của "nghệ thuật thứ 8" càng không dễ dàng khi một loạt kênh truyền hình ào vào nước ta như Cartoon Network, Disney Chanel… với những bộ phim thiên về giải trí như Tom và Jerry, Mèo Orgy, Ben Ten, Ninja go, Chiến cơ siêu hạng, Jobo Trái cây… Nỗ lực hạn chế của phụ huynh không xuể vì không có cái gì để thay thế những bộ phim này. Ở trường học trẻ em nói về Ninja go, trong bữa ăn, giấc ngủ và thậm chí trong lá thư gửi ông già Noel cũng tràn ngập Ninja go. Ai dám bác bỏ nhận định rằng có một bộ phận trẻ em Việt Nam sẽ lớn lên với những câu chuyện mang theo phong cách văn hóa và ứng xử của một hoặc nhiều dân tộc khác, mà không phải là Việt Nam!

Lấp đầy nhu cầu giải trí nhưng những bộ phim này chắc chắn không truyền đạt những giá trị thẩm mỹ và bồi đắp văn hóa dân tộc cho trẻ em như những bộ phim của Việt Nam làm cho trẻ em Việt Nam. Tất nhiên, những bộ phim "made in Viet Nam" cũng phải đủ "trình độ" để "thu phục" trẻ. Trẻ em vốn ưa hiểu biết và tò mò tự nhiên, cái gì hấp dẫn hay ho thì chúng xem và tiếp nhận vô thức những giá trị nhân bản được cài cắm khéo léo trong đó. Một khi đã làm được điều đó, những bài học điện ảnh này sẽ có sức sống lâu bền hơn chúng ta tưởng, nhất là trong thời đại thế giới đang vận hành bằng "sức mạnh mềm".

Tìm lại vị thế

Mỗi năm, nếu tính cả phim đặt hàng của Nhà nước lẫn phim dịch vụ, dự án… thì Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất được chừng trên dưới 15 phim thuộc nhiều thể loại khác nhau từ 2D, 3D, cắt giấy vi tính… Bên cạnh phim ngắn 10 phút, đã có phim dài 60 phút. Công tác phát hành tuy không phải là nhiệm vụ của hãng, nhưng nói như Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Hãng phim hoạt hình Việt Nam, ông Đặng Vũ Thảo thì thời buổi kinh tế thị trường, sản phẩm văn hóa cũng phải được coi là một hàng hóa đặc biệt, thế nên việc đưa phim đến với khán giả đã được thúc đẩy bằng nhiều cách. Ngay số 7 Trần Phú cũng đã có một cửa hàng chuyên giới thiệu các đĩa phim hoạt hình Việt. Thời gian qua cũng có chừng hơn 10 nghìn đĩa phim hoạt hình được phát hành tới hàng chục trường mầm non của Hà Nội. Nay với sự ra đời của rạp chiếu Thánh Gióng, sức chứa chỉ 150 ghế ngồi nhưng cũng đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của hoạt hình Việt. Ít ra là đã danh chính ngôn thuận, không còn tình trạng "em út", "ghé" vào các rạp, cụm rạp trong các sự kiện chiếu phim lớn, các kỳ cuộc trong năm. Bên cạnh đó, sau hơn một năm đưa phim lên mạng di động mobifone đã có hơn 1 triệu khách hàng tiếp cận dịch vụ, và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Từ ngày 10-1 vừa qua, dịch vụ xem phim trực tiếp Vfilm cũng ra mắt ở mạng Vinaphone, mở thêm một kênh tiếp cận công chúng nữa cho hoạt hình…

Tuy nhiên, đường ra của hoạt hình với sự hỗ trợ của công nghệ chỉ là yếu tố trợ lực, còn nội lực chính nằm ở sự đổi mới tư duy nghệ thuật. Sự đổi mới đó là cách kể của hoạt hình hôm nay mới mẻ, hiện đại hơn. Trong các giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam, bắt đầu xuất hiện những cái tên mới với tư duy làm phim khác trước, lạ hơn. Nhiều phim đã khai thác được thế mạnh là chất liệu dân gian, chất liệu lịch sử rất thú vị và hấp dẫn; cũng có kịch bản với cách thể hiện mới từng nằm kho cả chục năm thì nay cũng đã được đưa vào sản xuất…

Nhưng thẳng thắn thì hoạt hình Việt chưa đủ mạnh để tạo nên một gương mặt, một diện mạo trong thời điểm đầy thách thức hiện nay. Tính hài hước, gợi mở, liên tưởng còn ít, nhiều phim "quá nghiêm túc", xem hoạt hình mà như họp kiểm điểm thì thật khó. Đáng nói là, phim dài dòng kiểu kể lể trần tình vẫn còn… Phải nói các phim nước ngoài đang chiếu ầm ầm trên truyền hình kia dù “oánh nhau” căng thẳng đến đâu thì vẫn không thiếu những chi tiết, tình huống hài hước để thu hút trẻ em và cả người lớn. Gốc của câu chuyện như đã nói ở trên là thiếu vô cùng nguồn kịch bản hay. Số lượng người viết cho hoạt hình đang dần hình thành trở lại nhưng không bền vững. Đặc biệt, số lượng không quyết định chất lượng, nhất là khi tư duy hoạt hình đòi hỏi những thay đổi, thậm chí là thể nghiệm mới. Mà thiếu kịch bản thì coi như bao nhiêu "hồ" đắp vào cũng chả ăn thua!

Vậy nên, cuộc cạnh tranh của hoạt hình trên sân nhà bây giờ đang bắt đầu từ việc thu hút người viết kịch bản!

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/658906/hoat-hinh-viet-nam-khat-kich-ban-hay