Học bổng 'Nữ sinh hiếu học vượt khó' lần 27: Nụ hoa côi cút

“Nụ hoa côi cút” ấy là Nguyễn Như Phi Yến, 8 tuổi, ngụ khu phố 4, P.13, Q.11, TP.HCM. Phi Yến vừa được xét chọn trao học bổng của báo Phụ Nữ lần thứ 27, năm học 2017 - 2018.

Cha mất lúc em chưa ra đời. Mẹ đi bước nữa khi em còn chưa nói tròn vành rõ chữ. Từ đó, bà ngoại Nguyễn Thị Quý (nay đã 64 tuổi) thay vai làm mẹ làm cha, làm thầy và làm cả bạn thân với em dọc bước đường đời.

“Nụ hoa côi cút” ấy là Nguyễn Như Phi Yến, 8 tuổi, ngụ khu phố 4, P.13, Q.11, TP.HCM. Phi Yến vừa được xét chọn trao học bổng của báo Phụ Nữ lần thứ 27, năm học 2017 - 2018.

Hai bà cháu Phi Yến, người làm người học

Bà con trong xóm không ai không biết hoàn cảnh đáng thương của hai bà cháu Phi Yến: không nhà cửa, ở phòng thuê, bán vé số và bưng bê kiếm sống. Trước đây, bà Quý chỉ đi bán vé số, nhưng gần đây, cuộc sống ngày càng chật vật, nên bà Quý xin thêm chân bưng bê cho một quán cà phê nhỏ cạnh chợ Thiếc.

Công việc mỗi ngày của bà là dọn hàng - chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ trước phiên chợ sớm và bưng bê nước uống, cà phê đến các sạp cho khách đến tận 15 giờ.

Để cháu lại phòng trọ thì dạ không yên, mang cháu theo thì ai trông cháu khi làm việc. Mỗi sớm, bà Quý lặng lẽ dắt đứa cháu nhỏ dật dờ trong cơn ngái ngủ; bóng bà, bóng cháu liêu xiêu bên bóng các trụ đèn đường. Con đường bộ từ nhà trọ đến Trường tiểu học Phú Thọ rồi qua chợ bao tháng bao ngày đã nhẵn dấu chân quen.

Giờ thì Phi Yến đã biết rất nhiều, và cũng đã hiểu nhiều thứ. Yến luôn biết tự giác học bài, viết bài rồi làm toán. Biết cặm cụi vá lại chiếc váy sờn rách cho “bạn búp bê”. Biết tự chơi nhảy dây một mình và đặc biệt em rất thích vẽ khi ngoại vắng nhà. Biết lau phòng sạch để hai bà cháu có chỗ mà dỗ giấc qua đêm dài.

Ngoại bị chứng mất ngủ, lại thêm cả ngày làm lụng nên đôi chân tê nhức rã rời, nhưng về nhà bà được đứa cháu cưng bù lại cho suất “tẩm quất” không biết mỏi tay. Sau đó, nó ôm ngoại ngủ ngon lành!

Thường xuyên, sau buổi học sáng, Phi Yến được ngoại rước ra chỗ làm - nơi có bữa cơm đơn sơ của chị chủ quán cơm bình dân đã dành sẵn cho Yến. Tại đây, Yến biết phụ ngoại bưng ly, rửa ly mà chẳng mắc cỡ với những công việc ngoại đang vất vả.

Chiều tối, hai bà cháu mới trở về căn phòng trọ trên một gác xép với quá nửa diện tích chứa lỉnh kỉnh bao thứ đồ cũ. Để có đủ 1,5 triệu đồng tiền thuê phòng mỗi tháng, bà Quý phải từng ngày cất kỹ trong ống heo 60.000đ - số tiền lời của 50 tờ vé số. Những khi mưa gió, vé số ế, bà chỉ còn biết đứng dạt mé hiên mà hờn tủi, mà lo lắng trước các khoản tiền nhà, tiền vay trả góp “trả hoài không hết”.

Cái ám ảnh đó vẫn chưa vượt qua nỗi sợ phải uống thuốc, sợ sẽ ngủ quên. Một lần ngất xỉu vì kiệt sức, bà Quý nhập viện mấy ngày, rồi phải nghỉ làm cả thời gian dài sau đó. May mắn là xung quanh bà vẫn còn nhiều tấm lòng nhân ái, từ chị chủ quán cà phê, chủ quán cơm ở chợ, đến cô giáo của Phi Yến ở trường và bà con trong xóm trọ...

Một chiều đầu tháng Tám, trong gác trọ hầm hập nóng. Bên ngoài, trời vần vũ báo hiệu một cơn mưa. Góc gác ấy có chứa rất nhiều tranh vẽ những bộ quần áo mới đầy màu sắc. Góc gác ấy có khát khao thay lời được viết trên quyển tập làm văn: được chở đi chơi, hay giản đơn là ly nước cam mát lành mẹ pha sẵn.

Cũng gác trọ đó, có hai phận người đang nương tựa đời nhau…

Từ Nhân

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/giao-duc/hoc-bong-nu-sinh-hieu-hoc-vuot-kho-lan-27-nu-hoa-coi-cut-107163/