Học bổng tặng trò nghèo

QĐND - Từ nhiều nguồn hỗ trợ, thời gian qua, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB) đã trao hàng nghìn suất học bổng mang tên “Chung tay vun đắp nhân tài” cho sinh viên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy số tiền không lớn nhưng phần nào giúp cho những sinh viên nghèo giảm bớt gánh nặng kinh tế, tiếp tục đến trường, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để phục công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

QĐND - Từ nhiều nguồn hỗ trợ, thời gian qua, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB) đã trao hàng nghìn suất học bổng mang tên “Chung tay vun đắp nhân tài” cho sinh viên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy số tiền không lớn nhưng phần nào giúp cho những sinh viên nghèo giảm bớt gánh nặng kinh tế, tiếp tục đến trường, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để phục công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chắp cánh ước mơ

Thạch Thái Sơn, người dân tộc Khơ-me, sinh viên năm thứ 4 (Khóa 36, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ) hằng ngày phải đối mặt với vô vàn khó khăn do chi phí đầu tư cho việc học khá tốn kém. Nhờ sự phấn đấu không mệt mỏi trong học tập, Sơn đã 3 lần nhận được học bổng “Chung tay vun đắp nhân tài” của BCĐ TNB.

Sơn chia sẻ: “Gia đình em ở Trà Vinh và thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả. Hằng ngày cha em phải đi làm thợ hồ, mẹ buôn bán nhỏ để kiếm tiền nuôi em và em gái đi học. Nhiều lúc cha không có việc làm và mẹ buôn bán ế ẩm nên phải mượn tiền của bà con hàng xóm đắp đổi qua ngày. Nhận được học bổng “Chung tay vun đắp nhân tài” đã giúp em giải quyết khó khăn về chi phí ăn ở và mua giáo trình phục vụ học tập”.

Cùng hoàn cảnh như Sơn, em Trương Khánh Phục (quê Bến Tre, sinh viên Khóa 5, Ngành Quản trị - Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Tây Đô) sinh ra trong gia đình nghèo và có đến 6 anh chị em. Phục tâm sự: “Cha mẹ em đã già, thường xuyên bị bệnh, còn các anh chị đều đi làm thuê, thu nhập không ổn định. Vì thế, tiền học của em đều đi vay từ Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhận được học bổng em rất mừng vì có khoản tiền trang trải cho việc học. Thời gian tới, em sẽ cố gắng lấy bằng tốt nghiệp loại giỏi để xứng đáng với học bổng đã nhận”.

Cũng như em Sơn và Phục, hàng nghìn sinh viên nghèo vùng ĐBSCL cũng bày tỏ niềm vui mừng khi nhận được học bổng trên và hứa sẽ phấn đấu học tập thật tốt để góp phần giúp ích cho xã hội khi ra trường.

Quỹ học bổng được sự hưởng ứng của đông đảo các bậc phụ huynh và thầy cô giáo ở các trường. Ông Lê Ngọc Kính, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Võ Trường Toản, cho rằng:

- Học bổng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo động lực phấn đấu cho các em sinh viên nghèo được nhận và cả những sinh viên chưa được nhận cũng có động lực để phấn đấu. Đây thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của các doanh nghiệp, đơn vị đối với thế hệ tương lai của đất nước.

Sinh viên Trường Đại học Võ Trường Toản nhận học bổng “Chung tay vun đắp nhân tài”.

Quỹ học bổng “Chung tai vun đắp nhân tài” trước đây có tên là Quỹ học bổng “Vòng tay đồng đội”. Tuy nhiên, quỹ học bổng này chỉ trao cho đối tượng hẹp (sinh viên là con thương binh, liệt sĩ, con gia đình chính sách có hoàn cảnh gia đình khó khăn và có học lực khá, giỏi). Từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương không để học sinh, sinh viên nào nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. BCĐ TNB đã cùng với Hội Khuyến học và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL họp bàn và thống nhất đổi tên Quỹ học bổng “Vòng tay đồng đội” thành Quỹ học bổng “Chung tay vun đắp nhân tài”. Theo đó, đối tượng được hưởng rộng hơn, bao gồm những sinh viên học khá, giỏi thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, có nguy cơ bỏ học.

Theo báo cáo của BCĐ TNB, năm 2012, quỹ học bổng trao 2 đợt, với 3.500 suất (2 triệu đồng/suất) với số tiền 7 tỷ đồng. Riêng đợt 1 năm 2013 đã trao 1000 suất với số tiền 2 tỷ đồng. Đối tượng nhận học bổng là sinh viên vùng ĐBSCL đang theo học tại trường Đại học Cần Thơ, Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Tây Đô (TP Cần Thơ) và Đại học Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang).

Vì thế hệ tương lai

Để quỹ học bổng được nhân rộng, nhiều sinh viên nghèo được đến trường, BCĐ TNB đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền các địa phương trong vùng ĐBSCL đăng ký tham gia hỗ trợ. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ đắc lực của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (AgriBank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh…

Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc VietinBank nhận định: “Số tiền trên thể hiện tinh thần trách nhiệm của Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên VietinBank đối với công tác xã hội hóa giáo dục tại ĐBSCL. Đến nay, ngoài việc hỗ trợ cho Quỹ học bổng “Chung tay vun đắp nhân tài”, đơn vị còn hỗ trợ nhiều chương trình khuyến học, xây dựng hơn 29 trường học, 800 cây cầu, đường giao thông nông thôn tại các tỉnh: Bến Tre, Cà Mau, Vĩnh Long… nhằm giúp các em có điều kiện đi lại, học tập một cách thuận tiện, dễ dàng”.

Ông Lê Văn Ánh, Phó chủ tịch Hội Khuyến học TP Cần Thơ, nói: “Vùng ĐBSCL có tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân rất thấp. Vì vậy, cần phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng để hình thành nguồn nhân lực nòng cốt phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian tới, Hội Khuyến học TP Cần Thơ sẽ rà soát, thống kê cụ thể số lượng tân sinh viên đã trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng năm 2013 nhưng không được đi học và số sinh viên đang học phải bỏ học do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sau đó kiến nghị BCĐ TNB trao học bổng tiếp theo vào đầu năm học mới”.

Trao đổi với chúng tôi về việc thành lập Quỹ học bổng “Chung tay vun đắp nhân tài”, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực BCĐ TNB, cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã trao 4.500 suất học bổng cho các đối tượng sinh viên nghèo, học giỏi, có nguy cơ bỏ học. Số tiền mỗi suất học bổng không nhiều, nhưng là sự động viên khích lệ để các em sinh viên tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn, học giỏi để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân khi ra trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện việc làm đầy ý nghĩa này”.

Được biết, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 400 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn học tập với tổng số tiền hơn 32 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, một số em vẫn phải bỏ học giữa chừng, trong khi đó nguồn nhân lực có trình độ cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Theo đó, Quỹ học bổng chính là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn, không chỉ cho sinh viên mà còn khuyến khích đông đảo học sinh, sinh viên nỗ lực vượt khó, học tốt.

Một năm học mới sắp bắt đầu, để những chủ nhân tương lai của vùng đất Chín rồng có điều kiện lao động, học tập, Quỹ “Chung tay vun đắp nhân tài” rất cần sự giúp sức của các nhà hảo tâm, các đơn vị để càng ngày càng có nhiều sinh viên nhận được học bổng này.

Bài và ảnh: VĂN XÂY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/57/57/255748/Default.aspx