'Học chủ động' - tạo sức sống mới trong học tập

Chiến dịch 'Học chủ động' (Active Learning) đang được TeamX Hanoi tiến hành trên địa bàn Thủ đô, nhằm khơi dậy ở các sinh viên Việt Nam tinh thần học tập chủ động cũng như 'ươm mầm' cho những ý tưởng, sự cải tiến vượt trội và đem lại giá trị lớn cho cộng đồng.

Giới trẻ Việt Nam hiện cần được cải thiện về phương pháp học tập, tránh thụ động.

Giới trẻ Việt Nam hiện cần được cải thiện về phương pháp học tập, tránh thụ động.

Chiến dịch nói trên nhằm hướng tới “Vietnam Innovation Summit” - sự kiện lớn nhất trong năm 2017 do TeamX Vietnam thực hiện ở tháng 8 năm nay, tổng kết chuỗi các chiến dịch quy mô lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về các lĩnh vực: Giáo dục, cộng đồng, khoa học - kỹ thuật và nghệ thuật.

Rất nhiều nghiên cứu mới đây kết luận rằng: “Với một lượng thông tin và kiến thức khổng lồ ở trường, dường như cách học, cách dạy truyền thống đã không còn phù hợp, không đủ sức để trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng tư duy cần thiết. Vì vậy, giới trẻ cần một phương pháp tiếp cận kiến thức mới, thay cho lối lắng nghe thụ động thông thường”.

Tại các buổi thảo luận nhóm, học viên sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích.

“Học chủ động” là hình thức học mà mỗi cá nhân phải tự lập kế hoạch học tập cho bản thân để đạt được mục tiêu của riêng mình dưới sự hướng dẫn, trợ giúp của những giảng viên, chuyên gia. Đây là hình thức học tập và rèn luyện khoa học, hiệu quả. Tuy vậy, hình thức “học chủ động - active learning” chưa thực phổ biến và đủ sức ảnh hưởng tới nền giáo dục nước nhà nói chung và phương pháp dạy và học nói riêng ở Việt Nam. Vì vậy, TeamX Vietnam đã tiến hành chiến dịch này trên toàn quốc, nhằm tạo sức sống mới trong lĩnh vực dạy và học.

Hoạt động này được sự tham gia của các chuyên gia nổi tiếng như: Nguyễn Chí Hiếu (TS Kinh tế Đại học Stanford - CEO Tổ chức Giáo dục IEG), Cao Phương Hà (Giám đốc Quan hệ đối tác và phát triển Tập đoàn Giáo dục Education First và Nguyễn Huyền Minh (giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - ĐH Ngoại thương Hà Nội). Theo đó, các diễn giả sẽ chia sẻ những phương pháp học tập hiệu quả đã áp dụng chuyên sâu trong nhiều nền giáo dục tiến tiến trên thế giới (như ở Hoa Kỳ, Hà Lan, CHLB Đức...) cùng những kinh nghiệm học tập và trải nghiệm của họ.

Trong khuôn khổ chiến dịch, một số hoạt động được thực hiện, gồm: Mini-workshop “Xoay” (dựa trên mô hình Flipped Classroom và Station Rotation Model) - chiều 4/4, nhằm giúp học viên phát huy tối đa năng lực bản thân cũng như vững hơn việc làm chủ kiến thức đã học. Tiếp đó là mini-workshop Nghe-Nghĩ-Nói (dựa trên mô hình Fishbowl Discussion Organization) - chiều 11/4, nhằm giúp học viên phát triển khả năng tiếp nhận, ghi nhớ và tổng hợp thông tin từ bài giảng, được luyện khả năng tranh biện và sử dụng linh hoạt thông tin có sẵn.

Cuộc tọa đàm tổng kết chiến dịch ở khu vực Hà Nội sẽ được tổ chức vào sáng 15/4 tại ĐH Ngoại thương Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia giáo dục sẽ chia sẻ quan điểm về “Active Learning” và cách áp dụng phương pháp này tại Việt Nam. Ngoài ra, khán giả còn có cơ hội tham gia các trò chơi tranh biện để trải nghiệm thực tế cách “Học chủ động”.

Lê Quang Vinh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hoc-chu-dong-tao-suc-song-moi-trong-hoc-tap-51602.html