Học Đại học càng dễ thất nghiệp?

Trong khi mặt bằng chung lao động thất nghiệp đã giảm, thì tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm lại ở trình độ cử nhân Đại học.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quí 2/2017, cả nước có khoảng 1,08 triệu lao động (trong độ tuổi lao động) thất nghiệp, giảm khoảng hơn 7.000 lao động so với cùng kỳ năm 2016. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm còn 2,26%, mức thấp nhất trong năm quí gần đây.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ hơn về cơ cấu lao động thất nghiệp thì số người thất nghiệp có trình độ Đại học trở lên là trên 180.000 người, tăng 44.000 người so với quí 1/2017; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 3,63%, trong khi quí trước đó là 2,79%.

Nhóm trình độ Trung cấp có gần 93.000 người thất nghiệp, tăng 9.400 người, tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%. Duy nhất có nhóm lao động trình độ Cao đẳng số lượng người thất nghiệp đã giảm đi.

Điểm đáng lưu ý khác, thu nhập của nhóm lao động có trình độ sơ cấp là 6,04 triệu đồng, cao hơn cả nhóm có trình độ trung cấp và cao đẳng.

50% lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có trình độ phổ thông

Thực tế, con số cử nhân Đại học thất nghiệp đang tăng theo từng năm, riêng quý 1/2016 có tới 190.900 lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, tăng 22,8% so với quý 4/2015, như vậy có nghĩa con số này chỉ có chiều hướng gia tăng, không có giảm.

Trước việc cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều, mới đây, Bộ LĐTB-XH đã xây dựng dự thảo Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025.

Mục tiêu của Đề án là đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chưa tìm được việc có nhu cầu đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức ở một số ngành nghề được phê duyệt. Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 1.300 tỷ đồng lấy từ ngân sách nhà nước.

Điều đáng nói, theo đề án giai đoạn 1 từ 2018 đến 2020, dự kiến đưa 14.700 lao động đi Đức trong các ngành điều dưỡng, hộ lý, kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học.

Từ 2021 đến 2025, đề án dự kiến tiếp tục đưa hơn 39.000 lao động đi làm việc tại ba nước trên và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động. Thị trường Nhật Bản bổ sung thêm ngành kỹ sư công nghệ thông tin, sinh học; Đức là cơ khí chính xác như tiện phay, bào CNC, hàn trình độ cao; Hàn Quốc thêm công nghệ thông tin, thuyền viên hàng hải.

Ngoài ra, mở rộng thêm các thị trường như ASEAN, UAE ở các ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, phục vụ khách sạn - nhà hàng, cơ khí, xây dựng.

Như vậy, có thể thấy rõ, thị trường xuất khẩu cử nhân đều là lao động phổ thông, công nhân làm các công việc bình thường, cần tay nghề, dù ngày càng có nhiều lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học.

Điều này lại trái ngược với chủ trương đào tạo của Việt Nam, còn nhớ PGS Nguyễn Ngọc Quang - Trường Đại học Kinh tế quốc dân từng đưa ra con số: "Hiện nay cả nước có 412 trường đại học, cao đẳng tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường đại học, cao đẳng; cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân; cao hơn cả các quốc gia phát triển".

Về chương trình đào tạo Chương trình đào tạo đại học của các trường đại học thường xây dựng chưa được công phu, chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động, chưa xuất phát từ điều kiện thực tiễn của nền kinh tế có nhiều biến động.

Ths Nguyễn Khắc Giang, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng mục tiêu của đề án quá tham vọng.

Việt Nam hiện có định hướng phát triển công nghiệp sáng tạo, như vậy có nên theo đuổi việc "đào tạo hộ" lao động cho nước khác, hay là xem xét lại khoảng cách giữa lao động chuyên môn kỹ thuật và nhu cầu của chính doanh nghiệp trong nước.

"Tại sao không đi vào gốc vấn đề là đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng, dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động?", Ths Giang nêu câu hỏi.

Ông Nguyễn Xuân Vui - lãnh đạo doanh nghiệp nhiều năm đưa lao động mảng công nghệ thông tin, điện, cơ khí... đi làm việc tại nước ngoài, cho biết điểm yếu của nhiều lao động Việt Nam là tâm lý nóng vội, muốn đi nhanh nên không kiên trì học ngoại ngữ, chỉ học tiếng đủ thi qua vòng tuyển dụng là xong. Vì ngoại ngữ kém nên sang đến nơi thường ít việc.

"Nếu đề án được tiến hành thì cần đào tạo bài bản cho họ về ngoại ngữ. Lực lượng này khi hết hạn, về nước làm việc sẽ có chuyên môn tốt, ý thức kỷ luật cao vì nhiều năm được rèn giũa trong môi trường làm việc chuyên nghiệp", ông nói.

Quý Đoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/hoc-dai-hoc-cang-de-that-nghiep-3343182/