Học Kinh tế học sau này không chỉ làm kinh tế mà còn làm văn hóa, xã hội

Theo ông Nguyễn Việt Hoàng Giám đốc, Chương trình nghiên cứu kinh tế mở rộng (Broaden Economics) thì học bộ môn Kinh tế học không chỉ để làm về kinh tế mà còn áp dụng trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và hội nhập quốc tế.

Ngày 22/9 tại Hà Nội, Hội nghị Kinh tế học mở rộng (Broaden Economics Conference) là một trong số các dự án được Chương trình Nghiên cứu Kinh tế học mở rộng thuộc VEPR (Broaden Economics) triển khai nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi, giao lưu học thuật trong phạm vi khoa học kinh tế cho các học giả trẻ tại Việt Nam đã diễn ra.

Hội nghị năm nay tập trung vào việc mang đến một cái nhìn mới mẻ và rõ ràng về việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu, ứng dụng khoa học kinh tế. Với sự tham gia của các diễn giả là các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cao cấp trong nước và quốc tế, Hội nghị Kinh tế học mở rộng 2017 với chủ đề “Tại sao chúng ta nên học Kinh tế học: Những vấn đề từ Việt Nam và Quốc tế” đã giúp cho các bạn sinh viên khối ngành Kinh tế tại nhiều trường Đại học lớn trong nước hiểu thêm về chuyên ngành mình học cũng như có cái nhìn sâu sắc, tổng quan giữa kinh tế và chính trị.

 Ông Nguyễn Việt Hoàng - Giám đốc, Chương trình nghiên cứu kinh tế mở rộng (Broaden Economics), thành viên nhóm sáng lập Rethinking Economics (Vương Quốc Anh) - Ảnh HD.

Ông Nguyễn Việt Hoàng - Giám đốc, Chương trình nghiên cứu kinh tế mở rộng (Broaden Economics), thành viên nhóm sáng lập Rethinking Economics (Vương Quốc Anh) - Ảnh HD.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam bên lề hội nghị, ông Nguyễn Việt Hoàng - Giám đốc, Chương trình nghiên cứu kinh tế mở rộng (Broaden Economics), thành viên nhóm sáng lập Rethinking Economics (Vương Quốc Anh) cho biết, mục đích của Hội nghị Kinh tế học mở rộng 2017 là để phổ biến rộng rãi bộ môn Kinh tế học cho công chúng đặc biệt các bạn trẻ - tương lai đất nước.

Theo ông Hoàng, bộ môn Kinh tế học là môn Khoa học có sự ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống và kinh tế chính trị xã hội, bộ môn học có lợi cho tiến trình phát triển đất nước, đồng thời mang đến cho các bạn trẻ góc nhìn khác nhau về kinh tế học.

“Học kinh tế học không chỉ về kinh tế mà còn được áp dụng nhiều trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục. Chúng ta càng muốn hội nhập sâu, rộng với Thế giới thì chúng ta càng phải hiểu thế giới và hiểu về Kinh tế học” – ông Hoàng nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông Hoàng cho rằng, các bạn trẻ khi học tốt bộ môn Kinh tế học sẽ có thể làm việc ở rất nhiều ngành nghề trong xã hội, không chỉ làm trong các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, mà còn tham gia vào xã hội nhân sự, phát triển văn hóa dân chủ, tư duy phản biện.

Theo ông Hoàng, hiện nay việc đào tạo bộ môn Kinh tế học trong các trường Đại học ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, sinh viên vẫn thiếu môi trường để thực tập, thực hành đúng nghĩa. Bên cạnh đó, so với các nước phương Tây, sinh viên còn chưa chủ động tự học và tự nghiên cứu khoa học. Phần lớn, sinh viên vẫn phụ thuộc vào bài giảng của thầy cô trên Giảng đường.

Các diễn giả tham dự Hội nghị Kinh tế học mở rộng (Broaden Economics Conference) - Ảnh HD.

Là diễn giả khách mời trong sự kiện, ông Vũ Khoan – Nguyên Phó Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam nhiệm kì 2002 – 2006 cho rằng, thế hệ trẻ hiện nay cần học tốt Kinh tế học. Bởi Kinh tế chính là xương sống của một quốc gia. Thời đại ngày nay là thời đại của hội nhập nên người trẻ có nhiều cơ hội để học tập và giao lưu với những nước có nền kinh tế phát triển.

Chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan cho rằng, khi những người trẻ chọn lựa học về chuyên ngành Kinh tế học thì ngay từ đầu nên chọn cho mình mảng kinh tế ứng dụng nào đó để tham gia, sau đó những đóng góp của các bạn có chiều sâu thực tiễn sẽ tốt hơn.

Bà Chi Lan nhấn mạnh, quan trọng nhất của người học Kinh tế là phải biết kết nối để học hỏi và mở rộng tầm nhìn hoặc sự quan sát. Sự phát triển kinh tế bây giờ cần gắn kết giữa kinh tế với chính trị nhưngmuốn phát triển kinh tế và phát triển đất nước nói chung không thể tách rời xu hướng phát triển hết sức mạnh mẽ của Khoa học công nghệ. Không có khoa học công nghệ phát triển lên thì kinh tế cũng sẽ thụt lùi.

Theo bạn Phạm Trọng An, sinh viên Đại học Kinh tế tham gia hội nghị thì muốn học tốt được bộ môn Kinh tế học cần phải đam mê. Cùng với đó, phải xác định học kinh tế để làm gì và cần tìm ra một phương pháp học đúng đắn. An cho rằng, học kinh tế cần phải vừa học vừa thực hành, học để áp dụng ngay vào thực tiễn, phải đi cùng với công nghệ cao. Bởi hiện giờ, cuộc cách mạng 4.0 đã bắt đầu khởi động nếu không theo kịp thì sẽ tụt hậu.

Hoàng Dương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hoc-kinh-te-hoc-sau-nay-khong-chi-lam-kinh-te-ma-con-lam-van-hoa-xa-hoi-d129987.html