Học ngay cách xử trí sốc phản vệ để không bỏ lỡ 'thời gian vàng' cứu người

Khi bị sốc phản vệ, người bệnh cần được cấp cứu và điều trị ngay lập tức. “Thời gian vàng” để xử trí sốc phản vệ cho nạn nhân chỉ kéo dài từ 30 – 60 phút.

Sốc phản vệ là gì?

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng có tác động đến toàn bộ cơ thể, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh và được xếp vào diện phải cấp cứu của y tế.

Sốc phản vệ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào chỉ trong vài giây đến vài phút ngay sau khi cơ thể tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Tiếp xúc gây nên các phản ứng từ hệ miễn dịch của cơ thể có thể dẫn tới sốc phản vệ và gây tử vong nếu không được xử trí ngay lập tức.

Sốc phản vệ vừa cướp đi sinh mạng của 8 bệnh nhân ở Hòa Bình. Ảnh Dân Việt

Nguyên nhân sốc phản vệ

Một khi bị phản ứng dị ứng, cơ thể sẽ có nguy cơ bị sốc phản vệ, nhưng không phải tất cả những phản ứng dị ứng đều dẫn tới sốc phản vệ. Dưới đây là một số phản ứng dị ứng có thể là nguyên nhân gây sốc phản vệ (trong đó 3 trường hợp đầu khá ít xảy ra):

- Tập thể dục.

- Hậu quả của cơn sốc phản vệ trước đây.

- Dị ứng cao su thiên nhiên (latex).

- Bị côn trùng cắn, đốt, chích.

- Dị ứng thuốc như penicillin.

- Dị ứng thức ăn với các loạt hạt, lạc, trứng, đậu nành, hải sản, sữa,…

Triệu chứng sốc phản vệ

Trước khi học cách xử trí sốc phản vệ, cần ghi nhớ các triệu chứng của phản ứng dị ứng này. Không ít trường hợp, người bệnh xuất hiện tất cả các triệu chứng dị ứng dù phản ứng phản vệ của mỗi người là khác nhau. Lưu ý, một số triệu chứng sốc phản vệ có thể xuất hiện cùng một lúc.

Triệu chứng sốc phản vệ có thể xảy ra đồng loạt. Ảnh Internet

Các triệu chứng sốc phản vệ thông thường bao gồm: da ngứa hoặc phát ban; hắt hơi, chảy nước mũi; môi / lưỡi sưng, miệng ngứa, họng khó nuốt; chân tay sưng; ho; tiêu chảy hoặc chuột rút; nôn ói nhiều.

Nếu xuất hiện những triệu chứng sau, cần cấp cứu sốc phản vệ cho người bệnh ngay lập tức: chóng mặt; mạch nhanh và yếu; huyết áp thấp; tức ngực, đau ngực; khó thở, thở khó chịu hoặc lẫn lộn.

Các triệu chứng của sốc phản vệ có thể diễn tiến xấu đi rất nhanh chóng. Sau khi xuất hiện các biểu hiện sốc phản vệ đầu tiên, người bệnh cần được điều trị ngay trong vòng 30 – 60 phút bởi các triệu chứng có thể dẫn tới tử vong.

Những biểu hiện báo động cho cơn sốc phản vệ thường lặp đi lặp lại như: 1 triệu chứng duy nhất nhưng lặp đi lặp lại trong nhiều giờ; cơn đầu tiên của triệu chứng biến mất nhưng lại xuất hiện sau 8-72 giờ; một số triệu chứng như nôn ói, sưng, phát ban có thể xuất hiện cùng lúc; các triệu chứng xuất hiện chỉ vài phút sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

Xử trí sốc phản vệ

Trong thời gian chờ đợi xe cứu thương tới, cần thực hiện ngay những thao tác cấp cứu sốc phản vệ sau:

- Để bệnh nhân nằm ở tư thế đầu thấp hơn chân.

- Nới lỏng quần áo, tháo nút áo trên cùng và đắp chân cho bệnh nhân.

- Trường hợp người bị sốc phản vệ bị chảy máu hay nôn từ miệng, hãy lật họ nằm nghiêng để tránh bị sặc.

- Liên tục trò chuyện với người bệnh để họ giữ được nhịp thở, không rơi vào trạng thái hôn mê.

Cần xử trí sốc phản vệ trong vòng 30-60 phút khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Ảnh Internet

- Trường hợp người bệnh ngưng thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi bằng cách ép hơi lồng ngực kết hợp với hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân.

- Kiểm tra xem nguyên nhân gây sốc phản vệ là gì để bác sĩ có cách xử trí sốc phản vệ kịp thời và đúng đắn.

Dù diễn biến sốc phản vệ nhẹ, trung bình hay nặng đều phải cho người bệnh dùng ngày adrenalin. Tiên lượng tốt hay không tùy thuộc vào việc dùng adrenalin sớm và đủ liều cho bệnh nhân.

Việc cấp cứu sốc phản vệ phải được thực hiện tại nơi có đủ dụng cụ hỗ trợ, hộp thuốc chống sốc và đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn. Do đó, cách xử trí sốc phản vệ đúng đắn nhất là lập tức đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhắt trong thời gian ngắn nhất có thể.

Cách phòng tránh sốc phản vệ

Triệu chứng sốc phản vệ có thể xuất hiện rất sớm (từ vài giây tới vài phút) hoặc rất muộn (sau vài giờ). Tuy nhiên một khi đã xảy ra sốc phản vệ, diễn tiến sẽ rất nhanh và chỉ sau vài phút, bệnh nhân có thể lâm vào tình trạng nguy kịch.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì thế cần lưu ý một số điều sau để phòng tránh sốc phản vệ:

- Nếu từng có tiền sử dị ứng, cần trao đổi thật kỹ với bác sĩ trước khi kê đơn thuốc vì những người như bạn rất dễ bị dị ứng khi dùng thuốc. Ngoài ra, hãy nhớ luôn mang theo bên mình các loại thuốc giải dị ứng.

Người dễ bị dị ứng nên hạn chế ăn đồ lạ để không gây sốc phản vệ. Ảnh Internet

- Khi tiêm thuốc, nếu thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường như tê lưỡi, sợ hãi, hốt hoảng, bồn chồn,… cần báo ngay với bác sĩ để dừng tiêm và kịp thời xử trí sốc phản vệ.

- Sau khi tiêm thuốc xong, không nên ra về ngay mà nên nán lại phòng tiêm từ 15-30 phút để tránh trường hợp sốc phản vệ xảy ra muộn hơn tùy cơ địa của từng người.

- Dùng thuốc đúng chỉ định, an toàn và hợp lý.

- Khi ăn thực phẩm lạ, nên thử một lượng nhỏ trước để kiểm tra phản ứng cơ thể. Chờ sau 24 giờ đồng hồ, nếu không thấy hiện tượng bất thường gì mới nên ăn tiếp. Với những người có cơ địa dị ứng, nếu ăn uống đồ lạ sẽ rất dễ bị sốc phản vệ.

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/hoc-ngay-cach-xu-tri-soc-phan-ve-de-khong-bo-lo-thoi-gian-vang-cuu-nguoi-22982-9.html