Học sinh cẩn trọng với thức ăn, đồ chơi lạ

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hoàng Đình Ấn xác nhận, vừa có kết quả điều tra vụ 23 học sinh ở huyện Cam Lộ bị ngộ độc.

Theo đó, vào lúc 10 giờ ngày 3/4, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nhận được thông tin có 23 học sinh lớp 4 ở một trường TH và THCS trên địa bàn huyện Cam Lộ nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Học sinh bị ngộ độc được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ- Ảnh: V.P

Sau khi nhận được tin, đơn vị đã phối hợp với trung tâm y tế địa phương điều tra vụ việc. Theo báo cáo của lãnh đạo nhà trường, sau khi sự cố xảy ra, có 1 em học sinh báo với cô giáo chủ nhiệm là vào sáng cùng ngày, trong lúc cả lớp làm vệ sinh phía ngoài sân, có 1 bạn trong lớp đã trộn nước vào đồ chơi Slam sau đó lấy nước này nhỏ vào bình nước uống tại lớp qua lỗ thông hơi trên nắp bình.

Đến 9 giờ 10 phút cùng ngày, 23 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt sau khi uống nước trong bình nước này. 8 học sinh còn lại trong lớp không uống nước ở bình nước thì không có biểu hiện ngộ độc.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã gửi Viện Pasteur Nha Trang 4 mẫu (3 mẫu nước, 1 mẫu đồ chơi gọi là Slam) để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu nước không phát hiện bất thường, âm tính với các chất phân tích.

Tại thời điểm xảy ra ngộ độc thực phẩm, chưa phát hiện có dịch bệnh lưu hành ở người, ở súc vật và gia cầm tại địa phương. Nhà trường cũng không tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Đất, nước, không khí ở khu vực nhà trường chưa phát hiện bất thường.

Vì vậy, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kết luận, đây là vụ ngộ độc thực phẩm chưa xác định được nguyên nhân.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiến nghị các đơn vị chức năng địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các quầy hàng thức ăn đường phố, hàng rong tại khu vực xung quanh trường học trên địa bàn toàn tỉnh.

Cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn các em học sinh không mua và sử dụng các loại thực phẩm, đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tại các quầy hàng xung quanh trường học, đồng thời phối hợp với cha mẹ học sinh quán triệt con em mình không ăn, uống và mua các sản phẩm lạ, các đồ chơi không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, có màu sắc bắt mắt, mùi vị bất thường...

Vân Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hoc-sinh-can-trong-voi-thuc-an-do-choi-la-185287.htm