Học sinh vi phạm sẽ bị 'phạt' đọc sách

Thay vì viết kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích… học sinh vi phạm nội quy được yêu cầu đọc sách để nhìn nhận lại sai phạm và nâng cao nhận thức.

 Một học sinh đến thư viện đọc sách để viết cảm nhận theo hình thức xử phạt mới. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Một học sinh đến thư viện đọc sách để viết cảm nhận theo hình thức xử phạt mới. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Đây là hình thức "xử phạt" mới được áp dụng tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM). Theo đó, thay vì viết kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích… học sinh vi phạm nội quy được yêu cầu lên thư viện, tự chọn một quyển sách trong tủ sách "Hạt giống tâm hồn" để đọc và viết cảm nhận về nội dung cuốn sách, bài học rút ra cho bản thân.

Thông tin này sau khi được chia sẻ đã nhận được sự chú ý từ cộng đồng mạng và những người làm giáo dục. Nhiều ý kiến đánh giá đây là hình thức "xử phạt" nhân văn, sáng tạo và nên được nhân rộng. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng hình thức này có thể khiến học sinh có ấn tượng về việc đọc sách như một hình phạt.

"Biện pháp giáo dục này nghe thì nhân văn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến đọc sách và thẩm thấu thành một nỗi ám ảnh cho trẻ, khiến hình dung về nó mang màu sắc như các hình phạt chứ không phải một thói quen tốt có nguồn gốc từ niềm cảm hứng tự nguyện; mặt khác, nhiều học sinh sẽ vin vào hình thức kỉ luật nhẹ nhàng như không này để ngày càng vô kỉ luật vì nghĩ lỗi lầm nào cũng dễ dàng được xóa bỏ", thầy Ân Tú Hồ, một giáo viên ngữ văn THPT, chia sẻ.

Chia sẻ với Zing về những ý kiến này, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân - bày tỏ việc đổi mới hình thức xử phạt học sinh nhằm thay đổi nhận thức của học sinh thay vì những hình phạt nặng nề, căng thẳng.

"Cho học sinh viết kiểm điểm, đưa phụ huynh ký, hoặc là bắt các em lao động... đó là những việc lâu nay nhà trường vẫn áp dụng. Nhưng thực tế nó có hiệu quả không? Hoặc lỡ học sinh trong khi lao động có thể trượt bàn trượt ghế té thì làm sao? Bây giờ đổi lại, cho các em đọc một cuốn sách hạt giống tâm hồn, người con hiếu thảo, hay về những tấm gương đạo đức... và viết cảm nhận, chúng tôi làm những điều này để giáo dục một nhân cách sống cho học sinh", ông cho hay.

Một số bài cảm nhận thu được sau khi học sinh đọc sách. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Một số bài cảm nhận thu được sau khi học sinh đọc sách. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Bắt đầu đảm nhận vị trí hiệu trưởng tại trường THPT Bùi Thị Xuân từ đầu tháng 4, ông cho biết đây là một trong những thay đổi đầu tiên nhằm nâng cao ý thức cho học sinh, từ những sai phạm có thể dạy cho các em những điều tích cực. Thông qua hình thức này, nhà trường muốn gửi đến hai thông điệp: Thứ nhất là hình thành văn hóa đọc trong các em, ngoài ra, việc đọc một cuốn sách hay giúp các em có một sự lắng đọng trong tâm hồn, biết yêu thương nhiều hơn và từ đó giảm bớt những xung đột nơi học đường.

"Tôi nghĩ rằng mình cứ kiên trì và mạnh dạn làm. Chưa rõ điều này có tác dụng hay không, nhưng điều đầu tiên là tôi thấy học sinh hưởng ứng, chứng tỏ điều này đúng với tâm lý của các em", ông nói thêm.

Bên cạnh việc thay đổi hình thức xử phạt, ông cho biết còn có những dự định khác cho năm học mới như đầu tư thêm nhiều đầu sách nuôi dưỡng tâm hồn trong thư viện, triển khai các tiết đọc sách để tập cho các em thói quen đọc sách, tiếp thu những giá trị nhân văn.

Thanh Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thay-doi-hinh-thuc-xu-phat-hoc-sinh-thanh-doc-sach-post1425365.html