Học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học trên toàn cầu

Theo kết quả của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) được thực hiện 3 năm một lần, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học trên toàn cầu.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngày 6/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) được thực hiện 3 năm một lần.

Mục đích của chương trình là kiểm tra năng lực Toán, Khoa học và Đọc hiểu của học sinh 15 tuổi trên thế giới. Khoảng 540.000 học sinh từ 72 quốc gia đã tham dự các bài kiểm tra của PISA năm 2015.

Theo danh sách chọn mẫu khảo sát chính thức PISA 2015, Việt Nam có 197 cơ sở giáo dục được chọn, trong đó có 01 trường nghề, 09 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 04 trường phổ thông liên cấp (cấp 2 và cấp 3), 04 trường phổ thông dân tộc nội trú, 28 trường THCS và 150 trường THPT. Mỗi trường có 35 học sinh tham gia và một số trường có số HS tuổi 15 ít hơn 35 em.

Sau khi đàm phán, OECD đồng ý cho Việt Nam lược bỏ 09 trường mẫu nhỏ, học sinh dưới 5 em tuổi 15. Tổng số mẫu trường tham gia khảo sát chính thức thực tế là 188 trường với 5.826 học sinh trên toàn quốc. Khảo sát chính thức PISA chu kỳ 2015 diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng 4/2015.

Học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học thế giới. Ảnh minh họa

Theo kết quả khảo sát, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học trên toàn cầu, giữ được vị trí của 3 năm trước, xếp trên các quốc gia có nền giáo dục nổi bật như Anh, Australia, Hà Lan. Tuy nhiên, so với kết quả PISA gần nhất, thứ hạng Toán của Việt Nam giảm từ 17 xuống 21 (bằng điểm với New Zealand), thứ hạng Đọc hiểu giảm từ 19 xuống còn 30 (bằng điểm với Cộng hòa Czech và Croatia).

Kết quả PISA 2015 cho thấy một số điểm nổi bật về năng lực của học sinh Việt Nam ở ba lĩnh vực Khoa học, Toán học, Đọc hiểu. Học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu của OECD trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các em đã biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong bài thi PISA.

Đặc biệt, kết quả Top 10 ở lĩnh vực Khoa học mang đến cho Việt Nam một ý nghĩa quan trọng về sự phát triển năng lực của học sinh, đa số các em đã nắm vững kiến thức khoa học cơ bản, phát huy được khả năng lập luận, giải thích và áp dụng kiến thức khoa học vào giải quyết nhiều tình huống thực tiễn của cuộc sống.

Đặc biệt, một tỷ lệ học sinh (gần 10%) đạt kết quả ở cấp độ năng lực khoa học cao nhất (mức 5, 6) cho thấy nhóm học sinh này đủ tự tin để giải quyết những tình huống khoa học và công nghệ phức tạp trong cuộc sống hiện đại.

Được biết, PISA là chương trình đánh giá học sinh có quy mô lớn nhất trên thế giới hiện nay. Việt Nam tham gia PISA chu kỳ đầu tiên năm 2012, đã hoàn thành chu kỳ PISA 2015 và đang tiếp tục triển khai PISA 2018.

Đối tượng đánh giá là học sinh độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. PISA tập trung đánh giá năng lực của học sinh ở ba lĩnh vực chính là Đọc hiểu, Toán học và Khoa học.

Đến chu kỳ PISA 2012 đã phát triển thêm một số lĩnh vực đánh giá tự chọn như đánh giá năng lực giải quyết vấn đề, đánh giá năng lực tài chính, đánh giá năng lực sử dụng công nghệ thông tin.

Đến chu kỳ PISA 2018 phát triển thêm đánh giá năng lực công dân toàn cầu. PISA ở những chu kỳ đầu thực hiện bài thi trên giấy, từ chu kỳ 2012 đã có thêm hình thức đánh giá trên máy tính. Hiện nay, đến chu kỳ PISA 2015, 2018 chỉ còn khoảng 10 nước sử dụng bài thi trên giấy.

Lê Huy

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hoc-sinh-viet-nam-xep-thu-8-ve-khoa-hoc-tren-toan-cau-d109960.html