Học thêm, dạy thêm: Cấm tiệt hay kiểm soát?

(HQ Online)- Vấn đề dạy thêm, học thêm vẫn luôn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi, bức xúc của ngành giáo dục và xã hội nhất là thời điểm vừa bắt đầu một năm học mới. Vậy vì sao vấn đề này đã được bàn nhiều năm nay nhưng chưa có một giải pháp phù hợp để gia đình, nhà trường và xã hội có sự đồng thuận?

Học thêm đang là gánh nặng của học sinh. Ảnh: ST .

"Tại anh, tại ả"

Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm, học thêm như: Chương trình học quá nặng, lương giáo viên thấp, áp lực bằng cấp, thi cử… Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên trường THPT N. (Hà Nội) thừa nhận dạy thêm để tăng thu nhập vì đồng lương không đủ để trang trải cuộc sống. “Giáo viên chỉ sống bằng đồng lương thì không thể tồn tại được nên phải dạy thêm để tăng thu nhập. Việc dạy thêm của giáo viên cũng bỏ công sức để làm nên những gì nhận được là chính đáng. Ngoài ra, việc dạy thêm cũng là đáp ứng nhu cầu của phụ huynh vì nhiều người cũng không có thời gian để chăm con, hướng dẫn con học bài nên họ cho con đi học thêm”, cô Thanh chia sẻ.

Theo cô Thanh, một trong những nguyên nhân dẫn đến học thêm còn là do chương trình học ở trường quá tải đối với học sinh. “Một bài văn lớp 10 phải dạy trong vòng 4 tiết học sinh mới hiểu hết nội dung nhưng do yêu cầu thời gian, chương trình học nên bài văn đó chỉ dạy trong vòng 3 tiết vì vậy bắt buộc giáo viên phải dạy nhanh để chuyển sang bài khác. Với thời gian như vậy, học sinh không thể hiểu hết nội dung của bài nên nhiều em phải đi học thêm để nâng cao kiến thức”, cô Thanh nêu ví dụ.

TS. Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm, học thêm tràn lan. “ Nguyên nhân là do phụ huynh quá quan tâm đến thành tích học tập của trẻ. Đã có phụ huynh nói với con: “Ai cũng muốn khoe con, vậy làm sao cho bố mẹ được khoe con mới là có hiếu”. Với suy nghĩ này, cha mẹ sẽ không bao giờ hài lòng với kết quả của việc cạnh tranh lành mạnh trong lớp học. Họ sẽ tìm cách can thiệp vào các kết quả học tập của con và vấn nạn dạy thêm, học thêm lan tràn chỉ là một trong các hậu quả của tình trạng này.

Ngoài ra, hậu quả của việc dạy thêm là lương giáo viên thấp và được xếp cùng hạng với công nhân viên chức khác. Nếu không có cách tính lương riêng biệt thì tình trạng dạy thêm sẽ không thay đổi. Bên cạnh đó, do bệnh thành tích, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng học để thi nên phải cho con đi học thêm ở trường, ở các trung tâm... Vì thế, để giải quyết tình trạng này, phải thay đổi suy nghĩ của phụ huynh. Về phía giáo viên và quản lý nếu muốn hoàn thành tốt công việc của mình một cách chân thành, nhiệt tình và không vụ lợi thì việc dạy thêm, học thêm tràn lan có thể giải quyết được . Từ đó, xã hội sẽ có những động thái thay đổi để giáo viên có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cần có lộ trình

Vừa qua, UBND TP. HCM chỉ đạo từ năm học 2016- 2017 chấm dứt tình trạng học thêm, dạy thêm trong nhà trường trên địa bàn thành phố, chỉ cho phép học thêm dạy thêm ở các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường. Việc phụ đạo học sinh kém và bồi dưỡng học sinh giỏi nhà trường không được thu phí.

Trước quy định cấm dạy thêm học thêm của UBND TP. HCM, nhiều giáo viên cho rằng việc dạy thêm học thêm là chính đáng và các cơ quan chức năng chỉ nên quản lý những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm.

Về vấn đề này cô Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm: Đối với học sinh cấp THPT, THCS khi có nhu cầu nâng cao kiến thức mới học thêm, do đó, các cơ quan chức năng không nên cấm những gì gọi là nhu cầu. Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm để nâng cao kiến thức. Ngoài ra, do hiện chương trình học trên lớp còn nặng nên nhiều học sinh tự nguyện đến các trung tâm để học thêm với mục đích hiểu sâu các kiến thức đã học trên lớp. “Đứng dưới góc độ là một giáo viên, tôi khẳng định là có hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm. Như giáo viên bớt xén chương trình trên lớp, ép học sinh phải học thêm… Đặc biệt, nhiều học sinh cấp tiểu học đã học trên lớp cả ngày nhưng vì một nguyên nhân nào đó tối vẫn phải cắp cặp đến nhà cô để học. Theo tôi, các cơ quan chức năng phải quản lý các hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm còn không thể cấm phần tích cực của việc này”, cô Thanh cho biết.

Tại buổi họp báo trước thềm năm học mới do Bộ Giáo dục- Đào tạo tổ chức ngày 4-9, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, dạy thêm học thêm là nhu cầu, nguyện vọng của không riêng Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Chỉ nên cấm dạy thêm một cách tràn lan, không đúng mức, như cố tình đưa chương trình học chính vào học thêm.

Ông Nhạ cũng cho rằng, muốn giảm dạy thêm, học thêm phải có lộ trình mà quan trọng nhất là thay đổi nội dung chương trình, sách giáo khoa. “Bây giờ đổi mới sách giáo khoa là muộn nhưng muộn mà chắc, vì để đổi mới sách giáo khoa cần có chương trình tổng thể. Đổi mới sách giáo khoa xác định là chậm nhưng có lí do và chậm để bền vững. Chúng tôi cũng có sự chuẩn bị vì việc làm sách giáo khoa phải kết hợp được đổi mới nâng cao chất lượng, giáo viên cũng đóng góp vào quá trình làm sách giáo khoa không chỉ dựa vào một nhóm chuyên gia. Làm sách giáo khoa phải công khai, minh bạch, đúng thiết kế để tránh độ trễ”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Không thể giải quyết vấn đề bằng một lệnh cấm

Tuy đã có nhiều văn bản quản lý về việc dạy thêm học thêm, trong đó, có cả yêu cầu cấm việc dạy thêm học thêm trong các trường nhưng việc dạy thêm, học thêm tràn lan vẫn diễn ra. Vậy nguyên nhân do đâu, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi cùng TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội.

Thưa ông, vì sao khi UBND TP. HCM có lệnh cấm dạy thêm học thêm lại nhận được sự phản đối của nhiều giáo viên?

Theo tôi, cả bên đòi cấm dạy thêm và bên đòi bỏ quy định cấm dạy thêm không cùng chung quan điểm. Vì việc dạy thêm học thêm là nhu cầu có thực của học sinh, giáo viên phải đáp ứng nhu cầu này. Theo tôi, cần phải cấm những tiêu cực trong dạy thêm học thêm còn không thể cấm hoàn toàn việc dạy thêm học thêm trong các trường. Bởi bản chất của việc dạy thêm học thêm trong trường không có lỗi. Ví dụ: Một học sinh học kém, thiếu kỹ năng cần học thêm, hoặc một người đang cần phát triển kỹ năng muốn học cao hơn để đi nước ngoài cũng cần phải học thêm. Để quản lý hoạt động dạy thêm học thêm, các nhà quản lý phải tìm ra những biểu hiện tiêu cực từ hoạt động này.

Ông có thể cho biết, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan?

Nguyên nhân là do cách chức tổ chức thi của Việt Nam. Hiện ở Hà Nội đã bỏ thi vào lớp 1 và lớp 6 là một hình thức giảm dạy thêm học thêm. Nhưng quan trọng, hiện vẫn có các trường chuyên, lớp chọn, mô hình này cần phải giải tán. Bởi có hàng nghìn học sinh thi vào các trường chuyên, trong khi đó chỉ có vài trăm chỉ tiêu nên để đỗ vào các trường này học sinh phải đổ xô đi học thêm. Ngoài ra, học thêm dạy thêm cũng do bệnh thành tích của Việt Nam, nhiều người vẫn học vì điểm, vì bằng cấp.

Theo ông, trong dạy thêm học thêm có những biểu hiện tiêu cực nào?

Thứ nhất, bản chất của việc học thêm là phát triển năng lực của người học nhưng những biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm học thêm cần phải cấm. Ví dụ, học sinh học thêm triền miên từ cấp tiểu học đến THPT sẽ ỷ lại, không độc lập suy nghĩ lúc nào cũng dựa vào giáo viên sẽ hại tư duy của học sinh. Do đó, việc dạy thêm chỉ thực hiện ở từng giai đoạn tới khi học sinh biết cách học thì dừng lại.

Thứ hai, học sinh tiểu học không được dạy thêm văn hóa. Bởi học sinh cấp tiểu học chỉ học những kiến thức đơn giản, giáo viên chủ yếu hướng dẫn để các cháu tự phát triển kỹ năng, tính tò mò chiếm lĩnh kiến thức. Tuy nhiên, hiện học sinh cấp tiểu học đã học ở trường nhưng lại học thêm ở nhà giáo viên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu. Do đó, phải cấm tuyệt đối giáo viên tiểu học dạy thêm văn hóa ở nhà. Còn việc các em học thêm tiếng Anh, nhạc, họa… thì đó là việc quyền của mỗi gia đình.

Thứ ba, giáo viên bắt ép học sinh học thêm. Nhiều thầy cô bớt kiến thức ở trường, giao bài tập khó nếu học sinh không đi học thêm thì sẽ không làm được bài ở trên lớp. Nhiều gia đình con không đi học thêm nhưng vẫn đóng tiền học thêm vì nguyên nhân này. Việc này đã làm băng hoại phẩm chất của nhà giáo và hại tinh thần của học trò.

Vậy theo ông cần những giải pháp nào để cấm những biểu hiện tiêu cực của dạy thêm học thêm?

Không thể bằng một lệnh cấm dạy thêm học thêm mà có thể giải quyết được vấn đề. Cách tư duy cũ của chúng ta là quản lý không được thì cấm mà cấm không được lại thả, cứ loanh quanh thành một vòng tròn luẩn quẩn. Như vậy, xã hội vẫn chung sống với tiêu cực.

Theo tôi để cấm tiêu cực trong dạy thêm và học thêm bản thân học sinh và phụ huynh phải nhận thức được khi nào học thêm là cần thiết. Phụ huynh cũng không vì bệnh thành tích, “a dua” thấy nhiều người cho con đi học thêm cũng cho con mình đi học thêm. Phụ huynh cần biết những điểm yếu, điểm mạnh của con mình rồi khuyến khích trẻ phát huy thế mạnh của bản thân. Đồng thời, phụ huynh cũng phải nhận thức đúng về con mình cho học thêm đúng mức nhằm phát huy những mặt mạnh của con.

Giáo viên chỉ hướng dẫn cho học sinh cách học đến khi trẻ có thể tự lực được thì dừng dạy thêm. Người giáo viên phải có lương tâm và trách nhiệm, không vì đồng tiền mà bắt học sinh học thêm bằng mọi cách. Mọi việc làm tiêu cực đều ảnh hưởng đến phẩm chất nhà giáo.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hòa (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hoc-them-day-them-cam-tiet-hay-kiem-soat.aspx