Hockey TPHCM và hành trình chinh phục

Vượt qua những nghi vấn về sự phát triển của môn thể thao du nhập mới lạ, hockey (khúc côn cầu) ngày càng được giới mộ điệu thể thao TPHCM yêu thích và lựa chọn tập luyện.

Liên đoàn Hockey TPHCM tổ chức nhiều giải đấu giao lưu trong những năm qua

Từ lạ thành quen

Hockey bắt đầu được chơi ở Việt Nam vào khoảng năm 2007, chủ yếu các câu lạc bộ (CLB) tại những thành phố lớn. Tại TPHCM, giới mộ điệu thể thao tham gia luyện tập ngày càng đông, nhất là ở nội dung trên sân cỏ (field hockey) và trong nhà (indoor hockey). Những CLB hoạt động mạnh như USH Hockey Club, Saigon Tonados, Saigon International… với hàng trăm người tập luyện bộ môn này.

Mãi đến năm 2020, Liên đoàn Hockey TPHCM mới ra đời, cũng là liên đoàn đầu tiên của bộ môn này trong nước, trở thành dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa hockey đến gần hơn với cộng đồng. Từ việc tìm nguồn xã hội hóa hỗ trợ các vận động viên (VĐV), đến việc phối hợp với các trường học đưa bộ môn vào học đường để tìm kiếm những nhân tố mới cho đội tuyển, việc tổ chức các chương trình đào tạo HLV, trọng tài, hướng dẫn viên cơ sở đã được liên đoàn tổ chức bài bản, chuyên nghiệp.

Chủ tịch Liên đoàn Hockey TPHCM Nguyễn Hà Trường Hải chia sẻ: “Hockey là môn thể thao phổ biến trên thế giới, từ những kỹ thuật dùng gậy và bóng di chuyển trên sân giúp người chơi tăng cường thể chất, đến việc gia tăng sự nhanh nhẹn, khéo léo, sức bền, sức mạnh... Đây là môn đồng đội phù hợp với thể trạng của người Việt Nam, đòi hỏi người chơi phải có sự kiên trì tập luyện, phối hợp nhịp nhàng và đoàn kết giữa các thành viên”.

Cứ như thế, bộ môn mới lạ ngày nào đã từng bước len lỏi vào làng thể thao TPHCM, thậm chí trở thành môn thể thao tự chọn trong chương trình Giáo dục thể chất, được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học trên địa bàn thành phố. Sau một lần làm tình nguyện viên tại giải đấu hockey diễn ra ở TPHCM, Trương Thị Cẩm Nhung (sinh viên của Trường Đại học TDTT TPHCM) đã “phải lòng” môn thể thao “làm bạn với gậy và bóng” lúc nào không hay, rồi tham gia tập luyện tại CLB của trường. Nhung bộc bạch: “Từ những kỹ thuật điều khiển gậy dẫn bóng, ghi bàn vào lưới đến việc phối hợp đồng đội trong một trận đấu đều phải được luyện tập nhuần nhuyễn. Hành trình kiên trì tập luyện như thế cũng đã rèn luyện cho tôi những đức tính tốt trong cuộc sống, biết cố gắng vươn lên để đạt được mục tiêu, cũng như dám vượt qua những giới hạn của bản thân”.

Tiếp cận đấu trường châu Á

Đối với một môn thể thao du nhập, “chân ướt chân ráo” đến với một đất nước xa lạ để phát triển hệ thống phong trào không phải điều đơn giản. Thời gian đầu, từ địa điểm tập luyện, trang thiết bị dụng cụ đến kinh phí thi đấu vẫn nhờ vào tài trợ, xã hội hóa hoặc người tham gia tự bỏ tiền. Chưa kể, dụng cụ tập luyện như gậy, bóng, đồ dùng cho thủ môn... không tìm kiếm được tại Việt Nam nên buộc phải nhập từ nước ngoài với chi phí khá cao.

Thế nhưng, những khó khăn như thế cũng không thể ngăn cản ước mơ đưa hockey Việt Nam ra bản đồ thể thao thế giới của những người làm công tác chuyên môn. Năm 2013, đội tuyển hockey với lực lượng là các cầu thủ đang tập luyện tại TPHCM đã tham dự SEA Games 27 tại Myanmar, và đây cũng là lần đầu tiên hockey Việt Nam tham gia đấu trường quốc tế. Sau đó, đội tuyển tiếp tục đại diện Việt Nam tham dự vòng loại World League 2016 tại Singapore, SEA Games 2017 tại Malaysia. Thành tích thời điểm đó có thể chưa cao, nhưng những điều này đã thể hiện rõ mục tiêu “dám nghĩ dám làm” của những người phát triển phong trào.

Và điều đó lại được tiếp nối đến năm 2024, Liên đoàn Hockey TPHCM cố gắng tạo nhiều điều kiện cho các VĐV được phát triển và tỏa sáng. Từ ngày 13 đến ngày 16-5, đội tuyển hockey nữ TPHCM đại diện Việt Nam dự tranh Cúp châu Á hockey nữ trong nhà tại Thái Lan. Dù là gương mặt mới tại đấu trường quốc tế, nhưng đội tuyển vẫn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ đội hình, chuyên môn đến các kỹ thuật, chiến thuật.

Từ tháng 3, đội tuyển nữ được thành lập với 19 thành viên tập luyện xuyên suốt các ngày trong tuần tại sân tập thuộc Trường Đại học TDTT TPHCM. Sau quãng thời gian tập luyện và sàng lọc, 12 gương mặt nổi trội đã được lựa chọn để chính thức tham gia tranh tài tại Thái Lan. Theo chia sẻ của HLV Nguyễn Thanh Tú, ban huấn luyện đã triển khai kế hoạch tập luyện xen kẽ các buổi giữa thể lực và chiến thuật, đặc biệt tập trung nâng cao thể lực để các VĐV có thể thích nghi với môi trường thi đấu trong nhà.

“Đa phần các VĐV xuất thân từ CLB hockey của Trường Đại học TDTT TPHCM và tập luyện môn khúc côn cầu trên sân cỏ. Tuy nhiên, luật thi đấu khi chơi trên sân cỏ hay sân trong nhà vẫn có một số khác biệt nhất định, do đó các VĐV phải nhanh chóng làm quen với sự thay đổi môi trường thi đấu này”, ông Tú nói thêm.

Việc cử VĐV thi đấu Cúp châu Á lần này là một trong những kế hoạch của Liên đoàn Hockey TPHCM nhằm xây dựng lực lượng, tạo cơ hội cho các tuyển thủ được cọ xát với trình độ quốc tế, từ đó hướng đến mục tiêu xa hơn là góp mặt tại SEA Games 33 (Thái Lan) vào năm 2025.

Trong hành trình phát triển bộ môn, Liên đoàn Hockey TPHCM vừa cho ra đời học viện hockey mang tên “First Hockey Academy”. Đây là bước tiến quan trọng trong việc phát hiện và đào tạo vận động viên cho đội tuyển từ phong trào đến chuyên nghiệp để tham gia các giải đấu. Các học viên sẽ luyện tập ở 3 sân tại TP Thủ Đức, quận Tân Phú và TP Biên Hòa (Đồng Nai).

NGUYỄN ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hockey-tphcm-va-hanh-trinh-chinh-phuc-post739572.html