Hội đàm cấp cao Israel - Palestine tại Mỹ khó tạo được đột phá

Cuộc hội đàm cấp cao Israel-Palestine tại Mỹ hôm 2/9 (theo giờ địa phương) được dư luận khá quan tâm bởi diễn ra sau gần 2 năm bị đình trệ và sự phá rối của Hamas, tổ chức đang kiểm soát dải Gaza.

Tối 31/8, các tay súng Hamas đã tấn công vào một chiếc xe của người Israel tại thị trấn Hebron thuộc khu bờ Tây do tổ chức Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas kiểm soát khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có một phụ nữ mang thai. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak tuyên bố, sẽ trả đũa vụ tấn công này cho dù đưa ra sáng kiến - Israel có thể trao cho Palestine một phần thành phố Jerusalem trong khuôn khổ một hiệp định toàn diện. Điều quan trọng nhất là trước thềm cuộc hội đàm cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đều không đưa ra bất cứ tuyên bố khả quan nào xung quanh vấn đề nhạy cảm này. Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 1/9, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gọi Tổng thống Mahmoud Abbas là đối tác trong hòa bình và kêu gọi đạt thỏa thuận lịch sử nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột giữa hai bên. Nhưng khi đáp lại, Tổng thống Mahmoud Abbas một lần nữa yêu cầu Israel ngừng mọi hoạt động xây dựng khu định cư ở khu bờ Tây. Thậm chí, Tổng thống Mahmoud Abbas còn đe dọa, sẽ rời khỏi cuộc đàm phán nếu Israel nối lại việc xây dựng khu định cư Do Thái. Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Về phần mình, Tổng thống Barack Obama đã tích cực chuẩn bị cho cuộc hội đàm - tiếp xúc riêng với Tổng thống Mahmoud Abbas và Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cũng như tham khảo ý kiến của Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trước khi dùng bữa tối với những nhân vật này hôm 1/9 cùng đại diện của "Nhóm bộ tứ" về Trung Đông, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Cuộc hội đàm trực tiếp Israel-Palestine do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton làm trung gian và bà cũng đã có cuộc gặp riêng đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mahmoud Abbas. Mỹ tuyên bố ủng hộ đề nghị của Thủ tướng Benjamin Netanyahu - gặp Tổng thống Mahmoud Abbas 2 tuần/lần trong suốt quá trình đàm phán cho đến khi nào đạt được thỏa thuận. Đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông, ông George Mitchell tuyên bố, các cuộc thương lượng sẽ hoàn tất trong vòng một năm và Mỹ sẽ tham gia với sự kiên trì và nhẫn nại để mang lại một kết quả thành công. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Washington sẽ cố gắng thuyết phục Israel-Palestine xác lập một lịch trình đàm phán cụ thể trong tương lai và giải quyết các lĩnh vực tồn tại hàng chục năm qua xung quanh vấn đề biên giới, quyền qua lại Israel của người Palestine, vị thế chính thức của Đông Jerusalem... Giới bình luận cho rằng, cuộc hội đàm lần này vẫn còn nhiều bất đồng nên khó tạo được đột phá. Dư luận cho rằng, sau cuộc hội đàm kể trên, tình hình Israel - Palestine sẽ không có nhiều thay đổi. Nhiều người dân Israel và Palestine tỏ ra bi quan về kết quả cuộc hội đàm. Giới chuyên môn quan tâm tới nhận định của ông Gaith Al-Omari, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ về Palestine, nguyên cố vấn của Tổng thống Mahmoud Abbas, theo đó ông Mahmoud Abbas đang phải chịu áp lực từ nhiều phía - nếu từ chối hội đàm sẽ làm mếch lòng Mỹ, nhưng đồng ý thì các đối thủ chính trị sẽ chỉ trích, đặc biệt là Hamas

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/quocte/2010/9/136365.cand