Hỏi - đáp pháp luật: Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong Quân đội nhân dân được quy định như thế nào?

* Bạn đọc Nguyễn Xuân Bình ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong Quân đội nhân dân được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 55 Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể như sau:

1. Người vi phạm pháp luật đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tòa án tuyên có tội và áp dụng hình phạt từ cảnh cáo trở lên thì thực hiện trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật rút gọn.

a) Người chỉ huy căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật, tính chất vụ việc để xem xét đề xuất hình thức kỷ luật theo quy định; trực tiếp hoặc ủy quyền cho cấp có thẩm quyền trực tiếp gặp người vi phạm để người vi phạm trình bày ý kiến (đối với người bị phạt án treo trở xuống);

b) Thông qua cấp ủy (chi bộ) đảng;

c) Ra quyết định kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định theo quyền hạn phân cấp;

d) Thông báo quyết định kỷ luật đến cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; báo cáo lên trên và lưu trữ hồ sơ ở đơn vị;

đ) Giải quyết chế độ, chính sách.

2. Người vi phạm pháp luật bị khởi tố, truy tố, xét xử thì đương nhiên không được mang mặc trang phục của Quân đội trong thời gian bị cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử. Chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên thu hồi quân phục.

3. Người vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên án phạt tù có thời hạn và phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ hoặc tù chung thân thì sau khi chấp hành xong bản án, đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên (nơi quản lý người vi phạm trước khi thực hiện bản án) giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

* Bạn đọc Trần Thu Thủy ở xã Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về di chúc bị thất lạc, hư hại?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 642 Bộ luật Dân sự. Cụ thể như sau:

1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.

3. Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.

QĐND

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-trinh-tu-thu-tuc-xu-ly-ky-luat-doi-voi-nguoi-vi-pham-phap-luat-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-trong-quan-doi-nhan-dan-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-768643