Hồi ký gây sốc của cựu thủ tướng Anh Tony Blair

Tony Blair hối tiếc đã thi hành lệnh cấm săn cáo, nhưng ông không có suy nghĩ vậy về cuộc chiến Iraq. Ông phải tìm chỗ dựa là rượu. Bị công nương Diana mê hoặc, ông ca ngợi Tổng thống Mỹ George W.Bush nhưng chỉ trích người kế nhiệm Gordon Brown là người vô cảm.

Đó là một phần trong những bí mật mới được Blair phơi bày trong cuốn hồi ký dài hơn 700 trang, kể lại quãng thời gian một thập niên cầm quyền khi làm Thủ tướng nước Anh, từ năm 1997 đến 2007. Không hối hận trước cuộc chiến Iraq Cuốn hồi ký được mong chờ của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã ra sạp hôm 1/9/2010 và chứa đựng rất nhiều bí mật về chính trường, đời tư, các mối quan hệ cũng như các đánh giá của Blair về bản thân. Blair đã được trả trước 7 triệu USD cho hồi ký mang tên A Journey (tạm dịch Một chuyến đi), vốn kể lại hành trình của ông từ một kẻ tay mơ chính trị thành một Thủ tướng trẻ tuổi được ngưỡng mộ và rồi sau đó bị xỉ vả. Cuốn hồi ký của ông Tony Blair đang bán đắt như tôm tươi Iraq là di sản gây tranh cãi nhất của Blair. Ông thừa nhận rằng những gì theo sau cuộc tấn công hồi tháng 3/2003 đã tệ hơn ông tuởng. “Hậu quả của cuộc tấn công là tình hình trở nên đẫm máu hơn, kinh khủng hơn, đáng sợ hơn mà bất kỳ ai có thể hình dung. Tôi có thể nói rằng chính tôi cũng chưa từng đoán được cơn ác mộng khủng khiếp sẽ mở ra sau đó” - Blair thổ lộ. Mặc dù vậy, Blair đau đớn và xót thương những cái chết liên quan tới chiến tranh. Blair cũng hé lộ cuộc sống bên trong phố Downing, những sức ép khủng khiếp lên bản thân, người vợ và 4 đứa con. Ông uống nhiều rượu, thường mấp mé ngưỡng có hại cho sức khỏe, như một chỗ dựa tinh thần. “Một ly whisky mạnh hoặc rượu gin và tonic trước bữa tối, một vài ly rượu vang hoặc thậm chí là nửa chai” - Blair viết - “Không hẳn là quá mức. Tôi có giới hạn với mình. Nhưng tôi biết nó (rượu) đã trở thành một chỗ dựa”. Tổng thống Bush không phải gã ngốc Qua hồi ký của Blair, độc giả cũng được tiếp xúc với những nhân vật nổi tiếng khác. Đó là cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush, người đã không nhận ra Thủ tướng Bỉ, Guy Verhofstadt, trong cuộc họp khối G8 hồi năm 2001 tại Genoa. “Bush không biết hoặc không nhận ra Guy, người đang đọc thông báo, và ông thể hiện sự ngạc nhiên thấy rõ” - Blair viết - “Ông xoay qua tôi và thì thào “Gã này là ai nhỉ?”. “Ông ấy là Thủ tướng Bỉ” - tôi trả lời. “Bỉ à? Nhưng Bỉ không phải một phần của G8” - Bush nói, rõ ràng là rất kinh ngạc”. Blair đã phải giải thích với Bush rằng Verhofstadt tới G8 trong vai trò Chủ tịch Liên minh châu Âu. Vào thời điểm đó, Bỉ đang nắm ghế chủ tịch luân phiên. “Nghe vậy Bush liền nhận xét: “Giờ các anh lại để những người Bỉ điều hành châu Âu à?”, rồi lắc đầu, lần này thể hiện sự kinh ngạc trước sự ngu dốt của chúng tôi” - Blair viết. “Nếu bạn gặp Bush ngoài đời, bạn sẽ nghĩ ông ấy thực dễ mến và dễ chịu với bạn. Và bạn đã đúng về điểm này” - Blair viết. Ông cũng nói rằng Bush không hề “ngốc” như người Anh vẫn tưởng và giải thích một phần của cảm giác ghét bỏ Bush hình thành từ việc người dân không thích các cuộc chiến gắn liền với ông. Blair nhớ lại rằng bản thân đã làm việc rất gần gũi với cựu Tổng thống Bill Clinton trong hành động quân sự ở Kosovo vào năm 1998. Đầu năm đó, có cáo buộc rằng Clinton ngoại tình với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky. Tuy nhiên Blair viết rằng “trong khi cả thế giới nhắc tới cái tên Lewinsky thì Clinton vẫn bình tĩnh tuyên bố cải cách hệ thống chăm sóc y tế”. Ông đánh giá Bill Clinton là nhân vật khiến người khác tò mò. Với đàn ông, đặc điểm này khiến Bill dễ kết bạn; trong khi với phụ nữ, chuyện có thể dừng lại ở một cuộc phiêu lưu tình ái. Toàn bộ lợi nhuận phục vụ từ thiện Hồi ký cũng hé lộ về các nhân vật nổi tiếng khác, trong đó Blair thừa nhận ông là người mê mẩn công nương Diana. Song Nữ hoàng Elizabeth II đã đối xử với ông bằng thái độ “kiêu kỳ” trong những ngày theo sau cái chết của Diana. Tuy nhiên ông cũng kể về mặt khác của hoàng gia, sau những lần viếng thăm Balmoral, khu nghỉ dưỡng của hoàng gia ở Scotland. Ông đã thấy nữ hoàng đeo găng tay cao su để tự rửa bát đĩa, sau bữa tiệc nướng đãi các vị khách và nhân viên hoàng gia. Blair cũng kể về mối quan hệ của ông và cựu thủ tướng Gordon Brown. “Gordon là một gã kỳ lạ, mạnh mẽ, có khả năng và thông minh nhưng cũng rất cố chấp và đôi lúc dễ nổi khùng. Tính toán chính trị, có. Cảm xúc chính trị, không. Khả năng phân tích, điểm 10. Trí tuệ xúc cảm, điểm 0”. Theo Blair, nhiệm kỳ Thủ tướng của Brown là giai đoạn cuối của thời kỳ Công đảng nắm quyền dài nhất trong lịch sử nước Anh. Mặc dù được trả thù lao hậu hĩnh, Blair đã có “động tác đẹp” khi quyết định quyên tặng toàn bộ số tiền viết sách cho Royal British Legion, một tổ chức từ thiện chuyên giúp các cựu chiến binh. Tường Linh

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/131n20100903081627482t0/hoi-ky-gay-soc-cua-cuu-thu-tuong-anh-tony-blair.htm