Hội LHPN xã Lưu Nghiệp Anh: Nhân rộng mô hình nuôi heo rừng nhốt chuồng

Để tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, đem lại thu nhập ổn định và gắn với xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Thông qua mô hình nuôi heo rừng của hội viên, Hội LHPN xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú đã vận động phát triển nhân rộng gắn với xây dựng tổ hợp tác và phong trào Hội...

Cán bộ Hội LHPN xã tìm hiểu mô hình nuôi heo rừng nhốt chuồng của thành viên tổ hợp tác.

Cán bộ Hội LHPN xã tìm hiểu mô hình nuôi heo rừng nhốt chuồng của thành viên tổ hợp tác.

Bà Ngô Thị Mai, hội viên, sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ ấp Lưu Cừ I, xã Lưu Nghiệp Anh cho biết: nuôi heo rừng rất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của hội viên ở nông thôn; vốn đầu tư không lớn và thời gian tái quay vòng vốn cũng nhanh; heo rừng giống và heo hơi tiêu thụ cũng khá thuận lợi; heo rừng được nuôi ít bị bệnh và nguồn thức ăn khá phong phú và có thể tận dụng tại địa phương như rau xanh, cỏ, các phụ phẩm của cây chuối, khoai mì, khoai lang…

Từ tháng 9/2022, mô hình nuôi heo rừng nhốt chuồng đã được hình thành trong hội viên, lúc đầu chỉ có 02 hộ nuôi với số lượng vài chục con heo giống. Đến đầu năm 2024, đã có 09 hộ hội viên phụ nữ ở các ấp Lưu Cừ I, Lưu Cừ II, Long Hưng và ấp Chợ phát triển mô hình nuôi heo rừng nhốt chuồng, với tổng đàn gần 200 con. Bình quân các hộ nuôi heo rừng sinh sản cho thu nhập từ bán heo con giống, khoảng 04 - 05 triệu đồng/con heo sinh sản/4,5 tháng; đối với heo hơi, giá bán dao động 80.000 - 85.000 đồng/kg…

Cũng theo hội viên Ngô Thị Mai, gia đình nuôi heo rừng từ đầu năm 2023, với 03 con heo nái sinh sản. Mỗi con heo cái từ lúc mang thai đến đẻ khoảng 100 ngày và heo con nuôi thêm 30 - 40 ngày sẽ đạt trọng lượng từ 08 - 10kg/con thì xuất bán, mỗi lứa heo sinh sản từ 06 -08 con/heo nái và giá bán heo giống 100.000 - 120.000 đồng/kg; trừ các chi phí, gia đình thu 05 triệu đồng tiền bán heo con/heo nái. Đối với heo thịt, từ heo giống nuôi khoảng 03 - 3,5 tháng đạt trọng lượng 30kg/con.

Hội viên Lâm Thị Thúy Nga, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi heo rừng ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh cho biết: hiện nay, nguồn heo rừng của các hộ nuôi trong tổ đều có đầu ra ổn định; các hộ nuôi cũng đã liên kết với các đại lý, điểm thu mua heo thịt cũng như cung cấp nguồn heo rừng giống giữa các hộ nuôi nhằm tạo nguồn heo rừng chất lượng; đảm bảo tính thuần về con giống trong quá trình nuôi…

Để tạo điều kiện cho các hội viên phát triển, nhân rộng mô hình nuôi heo rừng; Hội LHPN xã Lưu Nghiệp đã sử dụng các nguồn vốn do Hội quản lý, như vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội; vốn giải quyết việc làm… để hỗ trợ vốn cho các hội viên đầu tư làm chuồng, mua con giống…

Hiện toàn xã Lưu Nghiệp Anh có 2.630 hội viên Hội LHPN, trong đó, hội viên dân tộc Khmer chiếm trên 40%. Trong năm 2023, thông qua nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã đầu tư vốn cho hội viên, với tổng dư nợ trên 16,5 tỷ đồng. Riêng năm 2024, Hội LHPN xã kiến nghị nâng thêm nguồn vốn cho vay trong sản xuất thêm 2,5 tỷ đồng để tạo điều kiện cho các hội viên phát triển, mở rộng kinh tế hộ; toàn xã còn 18 hộ nghèo là hội viên làm chủ hộ (trong đó có 14/18 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội) và Hội phấn đấu đưa 03/04 hộ hội viên làm chủ hộ thoát nghèo.

Đồng chí Phan Thị Kiều Tiên, Chủ tịch Hội LHPN xã Lưu Nghiệp Anh thông tin: đối với các nguồn vốn được đầu tư, các hội viên đã được hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng để nuôi heo rừng. Đặc biệt, trong lộ trình xã tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao trong năm 2024, đối với phát triển kinh tế cho hội viên luôn được Hội LHPN đặc biệt quan tâm; trong đó, sẽ phát triển và nhân rộng mô hình nuôi heo rừng nhốt chuồng. Đây là mô hình khá ổn định và phù hợp với kinh tế hộ, nhất là vùng nông thôn vốn đầu tư khoảng 50 triệu đồng/hộ có thể nuôi từ 02 - 03 con heo rừng sinh sản.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doan-the/hoi-lhpn-xa-luu-nghiep-anh-nhan-rong-mo-hinh-nuoi-heo-rung-nhot-chuong-35539.html