Hội Lim 2010: Đậm đà trong nhà nhưng "nhạt" ngoài hội

(VH)- Năm đầu tiên Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã khiến cho hàng vạn du khách gần xa hồ hởi hơn khi tìm về điểm hẹn đồi Lim trong ngày chính Hội, 13 tháng Giêng Âm lịch.

Thế nhưng, khác với những gì được mong đợi, Hội Lim 2010 dù vẫn tái diễn cảnh tượng đông đúc, chen lấn nhưng “món ăn chính” thì lại... nhạt bởi ít có những không gian thuần khiết chỉ dành riêng cho Quan họ. Thiếu một không gian thuần khiết Ngay từ đêm 12, những đoạn đường dưới chân đồi Lim đã tắc nghẽn. Hàng vạn người từ khắp mọi nơi khấp khởi đến điểm hẹn thật sớm để mong chờ được thưởng thức những làn điệu Quan họ cổ. Và những vị khách “thương” Quan họ này cũng ít nhiều được bù đắp khi BTC Hội năm nay đã khuyến khích các gia đình trong vùng tổ chức khôi phục các canh Quan họ cổ trong đêm 12 trước Hội. Phố chính của thị trấn Lim trong đêm này có nhiều ngôi nhà mở rộng cửa đón khách với những làn điệu Quan họ mời chào. Vẫn những làn điệu thiết tha ấy, nhưng năm nay chúng được các liền anh liền chị Quan họ biểu diễn với những cảm xúc khó tả. Cảnh tượng lộn xộn trên đồi Lim Một anh hai Quan họ ở Lũng Giang nói, bởi năm nay Quan họ được UNESCO công nhận nên canh hát phải được tổ chức thật chu đáo, đúng lề lối cổ để “khoe” cùng du khách gần xa những nét đẹp của loại hình văn hóa “đỉnh cao” trên quê hương Kinh Bắc. Thế nên, những canh hát càng về khuya càng thêm vị đậm đà. Nhưng dường như chỉ có thế. Bịn rịn chia tay những canh hát đêm, người yêu Quan họ tìm đến điểm hẹn đồi Lim và thực sự... thất vọng. Những mong chờ về một “bữa tiệc” mừng danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa được công nhận đã “vỡ” khi đồi Lim giữa cái nắng gắt chói chang lại tiếp tục diễn ra cảnh tượng người người chen lấn, các lán trại Quan họ ồn ã những âm thanh phức hợp, rác rưởi bị vứt bỏ khắp nơi,... Không có một không gian thuần khiết chỉ để vang lên những âm thanh mượt mà da diết của Quan họ, những liền anh liền chị đôi lúc lại “pha” giữa chương trình một vài khúc nhạc mới để lán trại thêm phần sôi động. Du khách sau một hồi chen lấn mệt mỏi lại kéo ra phía sau đồi Lim, trải chiếu, ngủ, nghỉ và mang đồ ăn ra... đánh chén. Nhiều trò chơi cờ bạc trá hình Dịch vụ “chặt chém” Càng về trưa những ngả đường tiến về đồi Lim càng trở nên tắc nghẽn. 300 cảnh sát giao thông và dân quân tự vệ được huy động để điều khiển giao thông có vẻ vẫn không đủ so với lượng người trẩy hội năm nay. Cách Lim vài cây số, các loại phương tiện xe đạp, xe máy, ôtô chen nhau nhích lên từng chút một. Đường tắc, người đông càng khiến các điểm trông giữ xe từ xa đắt khách. Giá gửi xe trung bình từ 10.000đ-15.000đ/ xe máy, có nơi khách bị “chặt chém” tới 20- 30.000đ. Giá cả tại các hàng quán, các điểm kinh doanh dịch vụ quanh khu vực Hội cũng “đội” lên cao khi lượng khách đổ về hội ngày càng đông. Nhưng có vẻ như du khách đã quen với việc giá cả đắt đỏ khi đi hội. Phía trên đồi Lim, muốn kiếm một chỗ nghỉ chân người đi hội cũng phải trả một vài chục ngàn để thuê chiếu. Cái nắng gay gắt như đổ lửa khiến cho nhiều người đi Hội như không thể kéo dài sự kiên nhẫn khi phải chen chân tại mấy lán trại để nghe Quan họ. Và thế là phía trước Quan họ cứ hát, phía sau du khách vẫn trải chiếu, ăn uống và rôm rả chuyện trò. Chênh chếch phía cổng ra vào lại là khu vực của các trò chơi dân gian với tổ tôm điếm, vật, đánh đu, đập niêu... Cứ thế, điểm hẹn đồi Lim ồn ã, lộn xộn với sự pha trộn của những mùi vị, âm thanh với những giai điệu vốn là “tài sản” của người Quan họ. Ngay trên con đường chính tiến vào đồi Lim năm nay cũng vẫn tồn tại các dãy hàng trò chơi mà núp bóng sau đó là các hình thức cờ bạc, đỏ đen. Thi thoảng lại thấy một “chiếu” cờ bạc, xóc đĩa di động ngang nhiên giữa hội. Mặc dù BTC Hội năm nay đã quyết tâm dẹp bỏ nạn ăn xin, ăn mày níu kéo du khách thì những đối tượng này vẫn lén lút xuất hiện khiến mỹ quan ngày hội bị ảnh hưởng không nhỏ. Thêm nữa, không gian văn hóa của Hội Lim đã bị ý thức kém của những người trẩy hội khiến cho trở nên nhếch nhác khi vô số các loại rác thải cứ ngang nhiên bị vứt bỏ ở khắp mọi nơi. Phương Anh

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/chinhtrixahoi/24152.vho