"Hối lộ là một cách để đảm bảo kinh doanh ở Trung Quốc"

Vụ bê bối hối lộ ở các bệnh viện vừa qua của công ty dược phẩm khổng lồ của nước Anh đã phơi bày “một nền văn hóa tham nhũng” trong lĩnh vực y tế ở Trung Quốc . Nước này đang tiếp tục điều tra nhằm cứu vãn danh tiếng cho chính quyền.

Trụ sở của GSK ở Trung Quốc

Sau khi thẩm vấn 4 giám đốc điều hành cấp cao của hãng dược phẩm khổng lồ của nước Anh GlaxoSmithKline (GSK), cảnh sát Trung Quốc đã mở rộng điều tra ra các hãng dược phẩm đa quốc gia khác như AstraZeneca, Sanofi và Eli Lilly.

Theo các thông tin được các báo địa phương ở Trung Quốc công bố, các giám đốc điều hành tại GSK Trung Quốc, bao gồm Giám đốc pháp lý Zhao Hongyan và Giám đốc nhân sự Alex Cheung đã bị triệu tập về các cáo buộc hối lộ cho các bác sĩ và các quan chức bệnh viện.

Công ty dược phẩm đa quốc gia này đã có mặt tại thị trường Trung Quốc trong hơn 30 năm, phát triển ban đầu từ một công ty liên doanh, sau đó dần sở hữu toàn bộ các công ty con, thiết lập nhà máy, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển. Hãng này đã sử dụng người dân địa phương trong các vị trí điều hành các cơ sở trong nước. Giờ đây, họ đang sử dụng nhiều phương thức khác nhau để giới thiệu sản phẩm mới tới các bác sĩ và bệnh viện ở địa phương.

Để lấy lòng chính quyền, các công ty dược phẩm đa quốc gia đã tích cực tìm kiếm gia đình, con cái của các quan chức chính phủ cấp cao và đề bạt họ vào các vị trí quan trọng trong hệ thống. Ví như hãng Pfizer đã thuê Feng Danlong, cháu gái của danh tướng Feng Yuxiang, làm một giám đốc của công ty, chuyên phụ trách về các phát ngôn của công ty. Ông Feng Yuxiang trước đây là một ủy viên của Ủy ban toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc.

Một số người trong cuộc giấu tên nói rằng, nếu chỉ dựa vào hoạt động thị trường sẽ không đảm bảo được sự thành công của công ty, khi mà ở Trung Quốc, việc mua sắm chi tiêu của từng tỉnh và các tiêu chuẩn đều bị ảnh hưởng bởi các chính sách của chính phủ trung ương. Vì vậy, các công ty đã tìm cách gây ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách như là một cách họ làm kinh doanh.

Các công ty dược phẩm đa quốc gia đang ngày càng gần gũi với luật pháp và các chính sách quốc gia hơn so với một số quan chức chính phủ, thậm chí là còn “thân mật” hơn cả các đối thủ nội địa.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc đã có cơ hội được đàm phán với chính phủ và các đại lý bảo hiểm y tế trong nước về các hồ sơ dự thầu cung cấp thuốc giá rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn.

Minh Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/The-gioi/Hoi-lo-la-mot-cach-de-dam-bao-kinh-doanh-o-Trung-Quoc/104451.info