Hội nghị G20: Donald Trump 'một mình một chiến tuyến'

Những tuyên bố và chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “đụng chạm” đến quan điểm của rất nhiều lãnh đạo thế giới kể từ khi ông nhậm chức. Và trong Hội nghị G20 tới đây, ông Trump chắc chắn sẽ phải đối mặt với một danh sách dài những bất đồng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo CNN, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói bà muốn Hội nghị Thượng đỉnh G20 tập trung vào các vấn đề quốc tế quan trọng như biến đổi khí hậu, tự do thương mại và tự do báo chí, những vấn đề hoàn toàn trái ngược với quan điểm cũng như phát biểu mang tính dân túy của ông Trump.

Dưới đây là một số chủ đề có thể được thảo luận tại G20 lần này, thể hiện sự khác biệt giữa Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo G20 ra sao.

Biến đổi khí hậu

Tất cả các quốc gia trên thế giới ngoại trừ ba nước, đã ký Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, một thỏa thuận yêu cầu tất cả các nước giảm lượng khí thải nhà kính. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, ông Trump đã tự rút khỏi thỏa thuận này, cùng với Syria và Nicaragua trở thành một nhóm nhỏ các nước phản đối hiệp định này.

Trong bài phát biểu tuần trước, bà Merkel đã nhắc đến quan điểm của người đồng cấp Mỹ mặc dù không trực tiếp nói tên ông. Thủ tướng Đức cho hay: “Chúng ta không thể đợi cho đến khi người cuối cùng trên Trái Đất này tin vào các bằng chứng khoa học”.

Các nhà lãnh đạo G20 khác cũng không ngần ngại lên tiếng phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, người đã coi quyết định rút khỏi hiệp định của ông Trump là “đáng thất vọng nhưng không gây bất ngờ”.

Thương mại

Từ khi tranh cử, ông Donald Trump đã có những phát biểu và cam kết cứng rắn về thương mại. Tổng thống Mỹ đã thể hiện thái độ không hài lòng rõ ràng với Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cho rằng thỏa thuận thương mại này là không công bằng và đã “đánh cắp” công việc của người Mỹ.

Hồi tháng 4, sau khi nói chuyện với người đồng cấp Canada và Mexico, ông Trump tuyên bố sẽ không rút khỏi NAFTA nhưng cần phải đàm phán lại một vài điều khoản.

Ông chủ Nhà Trắng cũng thực hiện lời hứa rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại lớn giữa 12 quốc gia mà người tiền nhiệm Obama đã dày công vun đắp. TPP có thể giúp giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu cho nước Mỹ ở các quốc gia cùng tham gia thỏa thuận, đổi lại là lực lượng lao động, môi trường hấp dẫn và các biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp lớn.

Theo sau quyết định trên của lãnh đạo Hoa Kỳ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh vẫn “tiếp tục duy trì cam kết thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư thông qua việc mở cửa và nói không với chế độ bảo hộ”.

Ông Trump đã chỉ trích các nhà cung cấp thép vì gian lận giá thép. Các chuyên gia lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại có thể bùng nổ nếu Tổng thống Mỹ thay đổi về thuế đối với các nước bao gồm Canada, Mexico, Brazil, EU, Nhật Bản và Trung Quốc.

NATO

Tổng thống Trump lặp đi lặp lại tuyên bố rằng tổ chức quân sự này đã lỗi thời và chỉ trích các nước đồng minh đã chi tiêu quá ít và đề nghị các thành viên phải đóng góp 2% GDP vào chi phí cho NATO.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thể giải quyết những bất đồng quanh vấn đề biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây ông Trump dường như đã thay đổi suy nghĩ khi cho hay Hoa Kỳ sẽ tuân thủ cam kết rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên NATO cũng có nghĩa là nhằm vào tất cả các nước còn lại.

Nhập cư

Việc ông Trump ra sắc lệnh ngăn chặn người nhập cư từ một số quốc gia Hồi giáo vào Mỹ đã nhận không ít chỉ trích từ các lãnh đạo G20. Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May gọi lệnh cấm này là “gây chia rẽ và sai lầm”.

Không chỉ vậy, Tổng thống Mỹ còn cam kết xây một bức tường dọc biên giới Mexico và yêu cầu Mexico phải trả chi phí. Song Mexico đã thẳng thừng từ chối đề nghị này.

Triều Tiên

Tổng thống Mỹ từng trả lời Bloomberg News rằng nếu thích hợp, ông sẽ rất “vinh dự” được đón tiếp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tuy nhiên, khi căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng leo thang vì tham vọng hạt nhân và việc sinh viên Mỹ qua đời sau khi bị bắt tại Triều Tiên, ông chủ Nhà Trắng ngày càng mất kiên nhẫn và tức giận.

Ông Trump cho rằng Trung Quốc chưa gây áp lực đủ đối với Triều Tiên. Washington và Bắc Kinh cũng mâu thuẫn trước kế hoạch triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa ở Hàn Quốc. Một vấn đề mà Moscow cũng bày tỏ sự phản đối.

Tình hình Syria

Mỹ và Nga đều khẳng định các lực lượng của hai nước tại Syria đang tích cực tham gia cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS. Trong khi Moscow bắt tay với đồng minh Bashar al-Assad thì Washington cũng “chống lưng” cho các nhóm đối lập với cả ông Assad và IS.

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ gia tăng khi Hoa Kỳ tiến hành không kích ở Syria sau khi lực lượng của ông Assad bị cho là đã sử dụng vũ khí hóa học. Cuối tháng trước, Mỹ cũng bắn hạ một chiến đấu cơ Syria, khiến Nga ngay lập tức dừng kênh liên lạc giữa hai nước tại quốc gia Trung Đông này.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hoi-nghi-g20-donald-trump-mot-minh-mot-chien-tuyen-post231345.info