Hội nghị LHQ về hạt nhân phá vỡ được thế bế tắc

Ngày 27/5, trong ngày họp cuối cùng của một tháng thảo luận, Hội nghị Kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP) đã phác thảo được bản dự thảo tuyên bố chung dài 28 trang, trong đó 11 trang là các kế hoạch hành động.

Động thái này được coi là có thể phá vỡ bế tắc vốn cản trở các hoạt động liên quan tới NPT trong suốt thập kỷ qua. Tại phiên họp toàn thể có sự tham dự của 189 nước thành viên NPT tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Chủ tịch Hội nghị kiểm điểm NPT, ông Libran Cabactulan, đã trình bày văn kiện trên và nhấn mạnh đây là bản dự thảo hợp lý nhất được đưa ra trong bối cảnh các nước vẫn tồn tại nhiều bất đồng. Dự kiến các kế hoạch hành động sẽ phải được toàn thể các nước thành viên NPT thông qua trong vòng 24 giờ kể từ khi hội nghị kết thúc chiều 28/5. Các vấn đề tranh cãi còn tồn tại sẽ được nêu trong tuyên bố chủ tịch chứ không thể được thông qua do không còn thời gian tranh luận. Hiện Iran vẫn tuyên bố với báo giới rằng không thể chấp nhận văn kiện này nếu các nước không nhất trí đặt thời hạn năm 2025 để loại bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân. Năm 2005, Hội nghị Kiểm điểm việc thực hiện NPT đã thất bại khi không ra được tuyên bố chung vì không đạt được sự đồng thuận của các quốc gia trong việc ngăn chặn tình trạng phổ biến hạt nhân. NPT đang rơi vào khủng hoảng về việc làm thế nào để giám sát các chương trình hạt nhân đáng ngờ của Iran và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, cũng như cách thức buộc các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tôn trọng hiệp ước cam kết giải trừ vũ khí nguyên tử. Hội nghị kiểm điểm thực hiện NPT được tổ chức 5 năm một lần. Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 3-28/5, với sự tham dự của hơn 100 quốc gia nhằm tăng cường chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế và cải thiện tình trạng an ninh và an toàn vật liệu hạt nhân cũng như các cơ sở liên quan. Hội nghị lần này đã có bước khởi đầu tốt đẹp, nhưng các cuộc thảo luận sau đó đã bị chựng lại trong vấn đề thực hiện khu vực phi vũ khí hạt nhân tại Trung Đông và một thời khóa biểu rõ ràng cho việc giải giáp vũ khí hạt nhân. Có hiệu lực từ năm 1970, đến nay NPT đã có 189 nước tham gia. Ấn Độ, Pakistan và Israel vẫn từ chối ký hiệp ước này, trong khi Triều Tiên rút khỏi NPT từ ngày 10/1/2003./. (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/hoi-nghi-lhq-ve-hat-nhan-pha-vo-duoc-the-be-tac/20105/46837.vnplus