Hội nghị thượng đỉnh EU có tháo gỡ được những khó khăn?

VIT - Ngày 25/3, Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận các vấn đề quan trọng của khối, trong đó nổi lên hai vấn đề đó là cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và kế hoạch phát triển dài hạn.

Về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp Ngày 19/3, Chủ tịch EU Manuel Barroso đã ra đề xuất một công cụ được xây dựng trên hệ thống các khoản vay song phương của các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone nhằm giúp đỡ Hy Lạp, đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo của khối hãy mau chóng đưa ra quyết định về vấn đề này. Ông Barroso cho rằng, “chúng ta không thể kéo dài và làm phức tạp thêm tình hình hiện nay”. “Tôi đề nghị các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí với công cụ này càng sớm càng tốt”. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel vẫn phản đối mọi kế hoạch giúp đỡ tài chính cho Hy Lạp và việc đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của hội nghị, vì cho rằng Hy Lạp không cần đến viện trợ. Việc thiếu một kế hoạch viện trợ rõ ràng cho Hy Lạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực Eurozone. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng đang ngày càng chia rẽ nội bộ EU và bộc lộ những khó khăn mà EU đang phải đối mặt. Vấn đề Hy Lạp mới là thách thức mà EU cần phải giải quyết ngay lập tức. Nếu không nó sẽ đe dọa tới sự ổn định của khu vực Eurozone và toàn bộ EU. Tuy nhiên, ngày 24/3, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã thông báo một tin đáng thất vọng rằng, các lãnh đạo EU vẫn không đạt được biện pháp cụ thể nhằm giúp Hy Lạp tháo gỡ những khó khăn tài chính. Còn Hy Lạp, dù vẫn kêu gọi EU giúp đỡ, song cho đến nay vẫn chưa nộp đơn đề nghị viện trợ tài chính từ EU. Chiến lược 2020 của châu Âu Một ưu tiên nữa trong cuộc họp thượng đỉnh của EU lần này đó là thảo luận về lộ trình phát triển của khối trong 10 năm tới. Bản báo cáo được xem là chiến lược 2020 của khối và được Chủ tịch EU Barroso công bố vào ngày 3/3. Dự kiến, kế hoạch mới này sẽ thay thế Chiến lược Lisbon, chiến lược phát triển 10 năm 2000-2010, vẫn bị xem là thất bại và chưa đáp ứng được mục tiêu là đưa EU trở thành “nền kinh tế tri thức cạnh tranh nhất thế giới” vào năm 2010. Chiến lược 2020 đề xuất sẽ phát triển kinh tế EU dựa trên tri thức và sự đổi mới. Báo cáo đồng thời đưa ra các mục tiêu rõ ràng về giáo dục, nghiên cứu, phát triển và giảm đói nghèo. Báo cáo cũng yêu cầu chính phủ các nước EU cần tăng cường khả năng quản lý kinh tế. Chiến lược đã nhận được nhiều phản ứng khác nhau liên quan đến mục tiêu và các biện pháp thực hiện, mặc dù trước cuộc họp ban lãnh đạo EU đã kêu gọi các nước cần có sự đồng thuận đối với kế hoạch phát triển mới này. Tại cuộc họp hàng tháng của khối tổ chức vào giữa tháng 3, Bộ trưởng Tài chính các nước EU đã tỏ ý nghi ngờ về điểm mấu chốt trong chiến lược, đó là nên lấy 3% GDP để đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Các bộ trưởng cho rằng trong khi hầu hết các nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ nần và thâm hụt ngân sách, thì kế hoạch nên thông qua các biện pháp giải quyết khó khăn trước mắt hơn.

Nguồn VITINFO: http://vitinfo.com.vn/muctin/kinhte/chinhsach/la74581/default.htm