Hội nhập quốc tế là một chặng đường dài !

(VH)- Hội thảo “Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học Việt Nam: Cơ hội và thách thức” vừa được trường ĐH Sư phạm phối hợp với ĐH quốc gia TP.HCM tổ chức.

Tại đây, những vấn đề được thảo luận, mổ xẻ cho thấy giáo dục ĐH Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, song song đó, hội thảo cũng nhằm tìm kiếm những giải pháp thực tiễn trên cơ sở kinh nghiệm hoạt động giáo dục của các nước. GS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho rằng, hệ thống ĐH ở một nước như Việt Nam phải phát triển theo một quỹ đạo tối ưu giữa số lượng và chất lượng, nghĩa là cần mở rộng quy mô nhưng phải nâng cao chất lượng. Hội nhập quốc tế có nghĩa là ĐH của nước ta phải bước lên sân chơi quốc tế với đầy đủ tư thế, đặc biệt là sân chơi về nghiên cứu khoa học. Và việc bước lên sân chơi này dễ hay khó khi chúng ta còn quá nhiều thách thức. Theo TS Dương Thị Hoàng Oanh, Trường ĐH Huế, thì có một thực tế đáng buồn là phần lớn sinh viên cho rằng được học với người bản xứ là phương cách ưu việt nhất để đạt tới trình độ chuẩn, và họ còn ngộ nhận “chuyên gia nước ngoài” luôn có chất lượng và mang tính chuyên nghiệp cao. Trong khi đó họ không hiểu rằng sự hiểu biết về văn hóa, ứng xử và cách sống bản địa là điều cực kỳ cần thiết trong khi làm công tác đào tạo, mà điều này thì chỉ chuyên gia trong nước mới có được... Đây chính là thách thức cho cả giáo viên lẫn sinh viên, giáo viên cần trang bị gì để sinh viên của mình có những kiến thức cần thiết trong quá trình hội nhập mà ngay cả sinh viên còn thiếu tỉnh táo trong xử lý thực tế sinh động. TS. Lê Hoàng Dũng, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn đã có một phỏng vấn đối với 26 nhà lãnh đạo, khảo sát 125 giảng viên và 332 sinh viên tại các trường ĐH Việt Nam, kết quả cho biết, động cơ cho những nỗ lực hội nhập quốc tế hiện nay của các trường là nhằm củng cố chất lượng đào tạo, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình hội nhập sau này. Nghiên cứu cũng tìm ra bốn nhân tố cản trở quá trình hội nhập quốc tế của các trường ĐH Việt Nam, đó là mức độ quyết tâm với các hoạt động hội nhập quốc tế của các trường đều còn thấp, các trường thiếu một kế hoạch chiến lược phát triển hội nhập quốc tế cụ thể và chi tiết, thiếu nguồn nội lực phù hợp và thiếu trang thiết bị cần thiết cho quá trình hội nhập... TS Ulas Basar Gezgin, trường ĐH RMIT TP.HCM có một số kết luận về những tồn tại trong giáo dục ĐH Việt Nam, đó là sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng, nạn bỏ học, chảy máu chất xám, thói học thuộc lòng, chế độ đãi ngộ giáo viên... làm cho giáo dục ĐH Việt Nam chưa theo kịp các nước. TS. Ulas Basar Gezgin cũng lưu ý quốc tế hóa không phải là thần dược cho nền giáo dục Việt Nam, quốc tế hóa nền giáo dục Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài phía trước. TS Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nói, trong thời điểm giáo dục ĐH hội nhập như hiện nay, hợp tác là một trong những cách cạnh tranh tốt nhất, hợp tác giữa các trường trong nước với nhau và với các trường trên thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như các vấn đề về nghiên cứu khoa học, có như vậy quá trình hội nhập sẽ nhanh chóng hơn. (VH-TP.HCM). Trong bối cảnh phức hợp như hiện nay đã đặt ra nhiều thách thức cho các trường đại học Việt Nam. Đó là: trường công hay tư, trường lâu năm hay mới thành lập sẽ thuận lợi hơn trong quá trình hội nhập, phát triển. Và khi đối diện với khó khăn hay thuận lợi thì định hướng các trường sẽ như thế nào? Cần thay đổi gì để đáp ứng nhu cầu ngày càng tiến bộ của xã hội? Liệu khi tiếp thu kinh nghiệm từ các trường đại học nước ngoài thì các trường đại học của Việt Nam có thể áp dụng được hay không?... Đó là những câu hỏi được đặt ra tại hội thảo khoa học quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục đại học: Nhìn từ góc độ của các nước”diễn ra trong hai ngày 19-20.10.2009 tại TP.HCM với sự tham dự của gần 150 giáo sư, nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục trong và ngoài nước. T.Trang

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/giaoduc/21072.vho