Hội thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng (DIFC): Mừng mà lo

Năm 2009, nhờ Hội thi bắn pháo hoa quốc tế, du khách nội đến Đà Nẵng tăng 15% so với năm 2008 giúp DN du lịch, DN vận tải vững bước vượt khó khăn. Năm nay cũng vậy, dấu hiệu “cháy phòng” và hết vé máy bay là tín hiệu đáng mừng.

Lễ hội pháo hoa năm 2009 giúp DN Đà Nẵng tăng trưởng doanh thu Dự kiến, DIFC 2010 sẽ đón hơn 70.000 du khách, tăng hơn 20.000 người so với năm ngoái. Và hệ quả tất yếu cũng giống năm ngoái, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ tại Đà Nẵng lại rơi vào tình trạng “cháy” phòng. Doanh thu tăng nhờ hội thi Theo báo cáo của ngành du lịch, trong năm 2009, Đà Nẵng đã đón gần 1,4 triệu khách du lịch, trong đó khoảng 1 triệu là khách nội địa, tăng 15% so với năm 2008. Đây cũng chính là lý do khiến thị trường khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn có tín hiệu lạc quan. Doanh thu năm 2009 ngành du lịch đạt trên 900 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với năm 2008 (810 tỷ đồng). Theo bà Ngô Thị Hoàng Anh, năm 2009 DN du lịch cũng chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế chung toàn cầu, số du khách nội trong nước tăng là do Hội thi bắn pháo hoa mang lại. Từ đó bảo đảm doanh thu các DN du lịch tăng. Năm 2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng phấn đấu tổng lượng khách du lịch ước đạt 1,45 triệu lượt khách; tổng doanh thu chuyên ngành du lịch đạt 1.015 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đạt được điều đó sự thu hút du khách đến tham gia Hội thi bắn pháo hoa đợt này là hết sức quan trọng. Cho nên thông tin hết vé máy bay, “cháy phòng khách sạn” là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Đà Nẵng. Ước tính Hội thi bắt pháo hoa lần này sẽ có doanh thu lên tới 1.000 đến 1.500 tỷ đồng. Cung không đủ cầu Ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, cho biết, hiện các khách sạn, nhà nghỉ nằm ở vị trí “đắc địa” dọc sông Hàn đã hết chỗ từ những tháng đầu năm. Nhiều nơi đã phải “khóa sổ” từ sớm như khách sạn Bạch Đằng River Side, Green Palaza, Bamboo Green... Những khách sạn nhỏ hơn, ở xa trung tâm đến giờ cũng không còn chỗ. Bà Ngô Thị Hoàng Anh - Phó phòng Nghiệp vụ (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng) cho biết, để phục vụ cho DIFC 2010, Đà Nẵng có thêm nhiều khách sạn từ mini đến khách sạn 5 sao. Thống kê toàn địa bàn hiện có 312 khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ với 6.109 phòng, tăng vài trăm phòng so với năm trước, đáp ứng cho khoảng hơn 10.000 du khách. Trước tình hình này, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã liên kết với 76 khách sạn ở Hội An và 20 khách sạn ở Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) để giảm áp lực du khách. Như vậy, với 9.809 phòng lưu trú ở cả Đà Nẵng và các địa phương lân cận, DIFC 2010 có thể phục vụ 40.000 du khách cần chỗ lưu trú, đó là chưa kể 2.000 du khách lưu trú tại nhà người thân mỗi đêm. Sở đã tổ chức hai cuộc họp với Chi cục Quản lý thị trường, Công an TP và đặc biệt là với Hiệp hội Khách sạn để yêu cầu các khách sạn thành viên cam kết thực hiện niêm yết giá, không tăng giá phòng, giữ chất lượng phục vụ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp DIFC 2010”, bà Ngô Thị Hoàng Anh cho hay. Cũng theo thông tin từ Văn phòng khu vực miền Trung của Vietnam Airlines (VNA), để phục vụ nhu cầu cao, hãng này sẽ tăng 42 chuyến bay đến Đà Nẵng từ ngày 25 - 29/3. Tuy vậy, hiện 8 chuyến bay của VNA từ TP HCM đi Đà Nẵng vào ngày 26/3 đã hết vé hạng phổ thông. Trong khi vé từ Đà Nẵng đi TP HCM vào ngày 29/3 cũng cạn. Hãng Jetstar Pacific dù chỉ khai thác bốn chuyến bay mỗi ngày tuyến Đà Nẵng - TP HCM và 1 chuyến Đà Nẵng - Hà Nội với sức chứa 168 hành khách, nhưng cũng không còn vé. Dẫu việc cháy phòng, cháy vé là tín hiệu rất đáng mừng đối với DN Đà Nẵng. Nhưng thiết nghĩ, nếu không có giải pháp dài hơi cho vấn đề này sẽ khiến công tác chuẩn bị cho các năm sau vẫn bị động. Mà trên hết, đó là sẽ bỏ phí nhiều cơ hội cho DN kinh doanh. Tâm Vũ

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/2010032510520503cat109/hoi-thi-ban-phao-hoa-quoc-te-tai-da-nang-difc-mung-ma-lo.htm