Hội trưởng phụ huynh 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'

Sau một năm làm hội trưởng Hội phụ huynh ở lớp học của con, chị Thu Hà xin nghỉ và kết luận: 'Từ nay tôi xin chừa'.

Chị Thu Hà (35 tuổi) có con học tiểu học ở quận 2, TP.HCM, từng hối hận khi nhận làm chi hội trưởng Hội phụ huynh của lớp. Trong buổi họp phụ huynh năm ngoái khi con gái đang học lớp 3, đến phần bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh thì bế tắc. Không phụ huynh nào xung phong làm hội trưởng, đùn đẩy một hồi chị buộc phải nhận để... cuộc họp sớm kết thúc.

Nhận nhiệm vụ trong sự miễn cưỡng song chị Hà cố gắng làm tốt công việc. Chị tạo một nhóm trên mạng xã hội với tất cả thành viên là phụ huynh để tiện trao đổi, giao lưu. Khoản đóng góp đầu năm của phụ huynh hơn chục triệu nhưng rất nhiều khoản chi tiêu, từ sơn lại lớp học, phần thưởng học sinh giỏi, giúp trẻ gia đình khó khăn, đến cuối học kỳ một thì cạn.

Tại cuộc họp giữa năm, chị đề xuất khoản chi tiêu cho học sinh đến hết năm học thì bị một phụ huynh trách "chi tiêu hoang phí". Nhiều người khác hiểu vấn đề tiếp tục đóng góp nhưng không nhiều. Cuối năm đó, chị lại trích tiền quỹ giúp một học sinh nhà nghèo phải nằm viện, nhận được sự đồng ý của Hội phụ huynh.

Khi tiền quỹ hết nhưng năm học chưa kết thúc, nhiều khoản chi tiêu cho học sinh chờ đợi, chị đành móc tiền túi bù vào vì ngại lên tiếng xin phụ huynh lần nữa. "Nhiều người nói Hội phụ huynh là hội phụ thu và cho rằng chức năng của Hội không phải là đi thu tiền. Nhưng thử tưởng tượng một năm học mà không có đồng nào, biết bao hoạt động ngưng trệ, các em sẽ thiệt thòi", chị thẳng thắn.

Ngoài nỗi khổ tiền nong, hội trưởng phụ huynh này lại thêm việc mỗi ngày tan sở phải phúc đáp những thắc mắc của cha mẹ về lớp học. Chị phải ghi chép hết phản ánh rồi cuối tuần gọi điện cho cô giáo trao đổi, sau đó báo lại từng người.

Thấy vợ vất vả, có lần ông xã trách "tự dưng đang yên đang lành lại ôm rơm rặm bụng". "Lúc đó tôi buồn lắm, vì mình làm công việc chẳng tư lợi nhưng vừa bị hiểu lầm, vừa mệt nhọc. Vì việc chung tôi cũng ráng làm đến cuối năm đó rồi xin nghỉ. Từ nay thì tôi xin chừa", chị nói.

Một cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2017-2018 ở TP.HCM. Ảnh: Văn Hoa

Là cha của ba đứa con, ông Nguyên (55 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) có hàng chục năm làm chi hội trưởng Hội phụ huynh từ tiểu học đến THPT. "Công việc của chúng tôi là ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng, chẳng lợi lộc gì, làm chỉ vì sự nhiệt tình và cái chung", ông Nguyên nói.

Người được đề cử làm hội trưởng Hội phụ huynh thường có uy tín trong xã hội, có điều kiện khá giả (đóng vai trò như Mạnh Thường Quân), hoặc những người nhiệt tình xung phong. Riêng ông Nguyên, hơn 10 năm trước được chọn bởi nhiều người quen biết, tin tưởng và đề xuất. Cứ như vậy, ông làm hội trưởng từ năm này đến năm khác, có năm làm ở hai lớp.

Phản bác ý kiến Hội phụ huynh là "cánh tay nối dài" của trường để thu các khoản đầu năm, ông Nguyên nói: "Người ta đã đổ oan, hoặc phiến diện. Nói thẳng là những khoản thu này do phụ huynh đề xuất, để phục vụ lợi ích chung của học sinh, tất cả để con em có điều kiện tốt hơn".

Nhiều năm làm ở Hội phụ huynh song rất ít khi bị cha mẹ phản ứng chuyện thu tiền đầu năm, ông Nguyên chia sẻ kinh nghiệm mỗi cuộc họp đầu năm, ông sẽ bàn bạc với Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất các khoản chi trong năm, sau đó lên kế hoạch kinh phí dự trù. Họ cũng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em trong lớp để nắm được bức tranh chung.

Tại buổi họp, ông sẽ diễn giải từng hạng mục chi tiêu trong năm, những lợi ích thiết thực của chúng để thuyết phục phụ huynh. Các khoản phần thưởng, quà tặng cho nữ sinh nhân dịp 8/3, quà bánh liên hoan trong dịp sinh nhật chung hàng tháng cho các thành viên trong lớp, tiền sơn sửa phòng ốc, sửa máy lạnh... đều được ông công bố.

Khi kêu gọi đóng góp kinh phí dự trù, ông không chia bình quân đầu người mà trên tinh thần tự nguyện, tùy điều kiện gia đình. Với những khoản thu để sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, Hội phụ huynh sẽ báo với trường để bàn bạc nên làm hay không. Tinh thần chung của Hội là tiết kiệm, tận dụng những thứ còn sử dụng được ở những năm trước.

Một phụ huynh đưa con gái đi học. Ảnh: Thành Nguyễn

Thấy sự hợp lý ở các khoản chi tiêu, phụ huynh sẵn lòng đóng góp nên năm nào Hội cũng đủ kinh phí hoạt động. "Mỗi năm, bình quân phụ huynh góp 300-400 nghìn đồng. Tôi giải thích là họ chỉ mất khoảng 1.000 đồng mỗi ngày để con cái học hành tốt hơn. Mình giải thích thấu đáo thì ai cũng nghe", ông kể.

Bằng kinh nghiệm của mình, ông Nguyên cho rằng nguyên tắc của Hội phụ huynh nếu liên quan đến tiền bạc là công khai, minh bạch. Cuối mỗi học kỳ, ông đều có báo cáo chi tiết thu chi tiền quỹ để gửi phụ huynh. Nhằm tiết kiệm trong chi tiêu, ông cũng ký cam kết với Hội không mua sắm sản phẩm có giá cao hơn giá chung của thị trường, chịu trách nhiệm trước Hội về khoản thu này.

Hội phụ huynh phải tế nhị trong ứng xử với một số cha mẹ không hợp tác, không đóng góp đầu năm. "Phải làm sao để phụ huynh thấy rằng đây là việc hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc, họ không đóng cũng không mặc cảm", ông nói.

Ông bố này thẳng thắn nhận xét nhiều Ban đại diện không tế nhị, thiếu kỹ năng thuyết phục, thậm chí có phần kẻ cả với phụ huynh nên không được lòng số đông, dẫn đến những phản ứng là điều dễ hiểu. Song, thay vì lên án, đòi xóa bỏ thì dư luận nên góp ý để Hội phụ huynh hoàn thiện mình, làm đúng chức năng.

Theo Mạnh Tùng (VNE)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/hoi-truong-phu-huynh-an-com-nha-vac-tu-va-hang-tong-807590.html