'Hồi ức lính' - Một cuốn sách hay

'Hồi ức lính' của Vũ Công Chiến góp phần giúp bạn đọc hiểu thêm về những bậc cha anh trong cuộc chiến đấu trường kỳ chống lại thực dân đế quốc.

Thời gian gần đây, nhiều người lính sau khi rời quân ngũ, đã chắt lọc ký ức, kể lại những tháng ngày họ cùng đồng đội chiến đấu vì độc lập-tự do của Tổ quốc, của dân tộc, cũng như làm nhiệm vụ quốc tế trên các chiến trường C (Lào), K (Campuchia)… Đây là những tập sách rất quý, góp phần làm cho bạn đọc hôm nay hiểu thêm về những bậc cha anh của mình, về cuộc chiến đấu trường kỳ của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống lại những thế lực thực dân đế quốc, những tên bành trướng hung hãn nhất của thời đại. “Hồi ức lính” (Nhà xuất bản Trẻ- 2016) của Vũ Công Chiến là một trong những cuốn sách như vậy.

Cuốn sách in khổ lớn (16x24) dày 716 trang, bìa mềm, trình bày trang nhã. Tác giả tự giới thiệu: nhập ngũ tháng 9/1971, bộ đội Trường Sơn, chiến trường Nam Lào, Mặt trận B3 Tây Nguyên Đắc Lắc, kỹ sư điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, cán bộ Viện Khoa học Việt Nam, Viện nghiên cứu Điện tử- Tin học-Tự động hóa Bộ Công thương.

Tôi tìm đọc cuốn sách sau khi đọc bài giới thiệu nhiệt tình của Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngữ văn Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học Việt Nam). Được biết tác giả đã lần lượt công bố nội dung trên trang Web của mình. Quả thật, như Lưu Khánh Thơ giới thiệu, "Hồi ức lính” cuốn hút tôi từ trang đầu đến trang cuối bởi những dòng hồi ức chân thực, được chắt lọc kỹ càng. Tôi có nhiều bạn bè, hơn Vũ Công Chiến chừng vài tuổi, nhưng đều nhập ngũ vào đầu tháng 9/1971, nên có thể coi những quãng đời mà Vũ Công Chiến trải qua như chính của mình, bạn cùng trang lứa… Chỉ có khác là hầu hết bạn tôi, đều trải qua "thử lửa” trên các chiến trường trong nước, đặc biệt là Quảng Trị, trong những sư đoàn chủ lực nổi tiếng… và ký ức của họ về trận chiến có khác. Còn Chiến, nhập ngũ theo giấy gọi của "Khu đội”, là lính của Thành đội Hà Nội… đi theo một hướng khác.

"Hồi ức lính" của Vũ Công Chiến.

"Hồi ức lính" của Vũ Công Chiến.

Bước ngoặt trong cuộc đời của chàng trai lớp 10 trường cấp III Yên Hòa (Hà Nội) là khi cầm trong tay hai tờ giấy: một quyết định nhập ngũ, nhận được ngày 24/8/1971. Và giấy gọi học Đại học, nhận ngày 15/9/1971. Với cương vị của ông bố (đang đi công tác nước ngoài) có thể "thu xếp” để Chiến ở lại. Nhưng không. Như 16 người bạn trai cùng lớp năm ấy, Chiến quyết định nhập ngũ "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Lê Mã Lương đã nói như vậy. Và cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đã sống như vậy. Tôi tin là cho đên giờ phút này, Vũ Công Chiến cũng không có gì phải ân hận về quyết định này.

Có một trường đoạn giống nhau, mà bất cứ chàng trai mới đi lính đều sống. Đó là những ngày đầu trong đời tân binh. Dù thao trường có khác, nhưng cũng đều lăn lê bò toài, tập bắn súng, tập hành quân mang nặng… Các nhà làm phim, các nhà văn tương lai muốn dựng phim, viết tiểu thuyết về quãng đời lính này, nên đọc Vũ Công Chiến. Kỳ Sơn-Bãi Nai-Tân Lạc (Hòa Bình… Chàng binh nhì đã mô tả khá chi tiết, chân thực những tháng ngày làm lính đầu tiên với những háo hức, những trò tinh nghịch, những bản làng, thôn xóm, một cô gái để mình “thầm yêu trộm nhớ”, những cán bộ khung…Rồi giờ phút lên đường ra mặt trận. Đổi bộ quần áo cũ lấy tiền liên hoan. Lần đầu tiên khoác trên mình bộ ka ki Tô Châu… Một chi tiết thú vị: mang súng đi chiến trường, nhưng là "súng không đạn”.

Và điều này nữa, kỷ niệm về người Mẹ lên thăm con, tiễn con lên đường, cố gạt đi những giọt nước mắt. Và người con ra đi đem theo cả cuộc đời của mẹ mà ra trận.

Cứ nhẩn nha theo trình tự thời gian và không gian, "Hồi ức lính” kể về chuyến xe lửa dừng lại ở ga Vinh, rồi những đoàn ô tô chở lính lầm lũi đi, những chặng đường hành quân bộ, qua từng bãi khách trên các cung đường Trường Sơn, và cuối cùng là đất Lào và rừng Lào. "Kỷ niệm cuối cùng trước khi nhập cuộc vào sâu trong đất Lào là một kỷ niệm không buồn” vì chúng tôi chưa biết gì để mà buồn… khi các thủ trưởng bảo chúng tôi viết thư để mang ra, hầu như không mấy ai viết. Cái vụ đống thư bên khe suối ngày nào vẫn còn ám ảnh chúng tôi…

Tôi nghĩ rằng Vũ Công Chiến đã chọn lọc rất kỹ "hồi ức” của mình những ngày chiến đấu ở Nam Lào. Không lên gân, không “bôi đen”, những cái tốt cái dở đều phô ra. “Bộ đội Cụ Hồ” chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, là đúng rồi. Nhưng ở trong nhiều trường hợp cụ thể, ở từng con người cụ thể, thì người lính phải rèn luyện kỹ năng để tồn tại, chiến đấu nhiều khi theo bản năng sinh tồn, không có thời giờ đâu để nghĩ về những chuyện viển vông, một mớ lý thuyết giáo điều, mà sau này, người ta gán cho họ trong những báo cáo thành tích ở những đại hội mừng công. Hết mùa mưa lại đến mùa khô ở Bô-lô-ven… trận chiến Ba Lào Ngam… chiến trận ở Sa-ra-van…chiến trường Pắc-so òng Tết 1973… Những ngày hòa bình đầu tiên-chốt giữ ở Kenh Nhai… Tết cuối cùng ở Nam Lào…

Với độ lùi thời gian, khi viết lại”hồi ức lính”, Vũ Công Chiến có thể đối chiếu sử liệu, có cái nhìn toàn cục hơn, rạch ròi hơn. Nhưng không, người lính ở chiến trường, cấp bậc binh nhất binh nhì, về cơ bản chỉ biết đánh theo lệnh chỉ huy. Mọi tinh lực dồn vào việc làm sao đánh thắng, và mình và đồng đội còn sống. Mạch chuyện là như vậy. Cũng như những trang hồi ức về đất Lào, rừng Lào, người dân Lào, lính ngụỵ Lào và lính đánh thuê Thái Lan…thấy sao nói vậy, không thêm thắt cho vừa lòng ai đó, không tỏ ra "thông minh” để có những trang viết khái quát toàn chiến trường, toàn chiến dịch, mà chỉ gói gọn trong việc trinh sát nắm địch, đào công sự, xông trận…

Những sự "u u minh minh” ấy bớt dần khi người lính Vũ Công Chiến cùng đơn vị quay trở lại Việt Nam chiến đấu trên mặt trận B3 Tây Nguyên. Nhưng cũng chỉ là tầm nhìn của một Tiểu đội trưởng "cứng”, Trung đội phó "non”… kể cả khi tham gia vào chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975. Rồi đánh thốc xuống duyên hải miền Trung, giải phóng thị xã Tuy Hòa… đánh chiếm căn cứ Đồng Dù… Những tổn thất vô cùng lớn của đơn vị khi đánh chiếm cửa mở… chuyện hợp đồng với xe tăng cùng tiến. Những chuyện "thật như bịa” xảy ra… cho dân gạo, tiếp xúc với người dân ở vùng tạm chiếm, những chàng trai”Ba mươi tháng Tư”, những suy nghĩ “bên ta bên địch”…

Trong "Hồi ức lính”, Vũ Công Chiến đã kể về hai cuộc tình. Cuộc tình giữa đồng đội Bảo và Lan, một cô gái người Tây Nguyên, một cuộc tình được sự che chở của cả tiểu đội, dẫn đến sự ra đi "biệt tăm tích” của đôi trai gái. Và cuộc tình thứ hai (có nên gọi như thế không nhỉ) giữa chàng học sinh giỏi Toán cấp III Yên Hòa với Nương, một cô học sinh lớp 12 ở xã Tình Thương thị xã Buôn Ma Thuột, em gái một sĩ quan ngụy đã về hàng. Mối tình của họ, có thể dựng thành phim, đạo diễn giỏi cũng làm chảy nước mắt nhiều người. Có thể nhiều người cho là "bịa” nhưng tôi tin rằng nó rất thật. Bởi vì lứa tuổi chúng tôi ngày ấy là thế.

Hòa binh lập lại. Dù hiểm họa Pôn Pốt đã xuất hiện, báo hiệu trước một cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ bờ cõi đang đến gần. Nhưng đấy chỉ là hôm nay nhìn lại. Còn ngày đó, từ chối đi học trường sĩ quan để trở thành sĩ quan chính trị, Vũ Công Chiến quay trở lại đoạn đường mà tháng 9/1971 anh đã có thể đi: vào Đại học Bách Khoa, quay trở lại đời sống dân sự. Tôi nhớ mãi câu nói của Tiến với Mẹ ngày trở về: "Mẹ ơi, con đã về. Không xanh cỏ mà cũng không đỏ ngực đâu, mẹ ạ”. Hàng vạn người lính của chúng ta khi trở về như vậy.

Hơn 500 trang sách với ngồn ngộn chi tiết, không thể liệt kê hết ra đây và tôi cũng không làm cái việc ấy. Cuốn sách được biên tập kỹ lưỡng và tôi nghĩ, của một người rất có nghề. Phải thôi. Vũ Công Chiến giỏi Toán, lại làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cho nên đây là tư duy logic của một người đã biết vượt qua cả một “ma trận” để mang đến bạn đọc những "hồi ức” tinh lọc nhất. Nhưng đấy là tư duy của một người có bản lĩnh, không bị cái gian khổ, khốc liệt của cuộc chiến ngày hôm qua và những xáo trộn của đời sống hôm nay, làm chai sạn tâm hồn và tình cảm của mình. Vũ Công Chiến không trải qua “Mậu Thân 1968” hay "81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị”, cũng không trải qua những đoạn đường bi đát nhất của Trường Sơn trong một thời điểm nào đó. Nhưng không thể nói rằng anh không trải qua những thử thách ghê gớm của cuộc chiến. Nhưng đọng lại tất cả, vẫn là sự vươn lên để giữ vững phẩm giá của mình, của "bộ đội Cụ Hồ” để góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.

Với tư cách cá nhân, với con mắt nhìn của một người lính bình thường, tôi kể lại những điều mình đã thấy, đã nghe, đã làm cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó. Vũ Công Chiến tâm sự như vậy ở đầu cuốn "Hồi ức lính”. Xin giới thiệu với các bạn những trang sách ghi lại "hồi ức” của một người lính Cụ Hồ. Hãy tin tôi đi, bạn sẽ có những trang viết đầy tính nhân văn. Và lúc này, tôi nhớ đến một câu ca "Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính”./.

CTV Trương Cộng Hòa/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/hoi-uc-linh-mot-cuon-sach-hay-648304.vov