Hỏi ý kiến người dân về quy hoạch Thủ đô

(Toquoc) – Trang Thông tin điện tử Bộ Xây dựng www.moc.gov.vn vừa giới thiệu các nét chính của Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để lấy ý kiến đóng góp của cá nhân, cơ quan, tổ chức…

Hà Nội: Xanh – Văn hiến – Văn Minh - Hiện đại Đồ án này xây dựng dựa trên chiến lược ưu tiên phát triển Hà Nội thành một Thủ đô có quy mô lớn, tầm cỡ quốc tế, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Năm 2008, Hà Nội đã được mở rộng với diện tích tự nhiên 3.344,6km2, dân số 6.350.000 dân để hiện thực hóa chiến lược này. Sau quá trình nghiên cứu đồ án theo đúng tiến độ, Bộ Xây dựng đã báo cáo thường trực Chính phủ ba lần. Bộ Xây dựng cho hay, Đồ án đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các Hội nghề nghiệp (Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Tổng hội Xây dựng, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa, Hội Môi trường xây dựng...). Hà Nội sẽ được quy hoạch thành thành phố: Xanh- Văn hiến- Văn minh- Hiện đại (Ảnh: T.Xuân) Theo tính chất đô thị mà bản quy hoạch đưa ra thì Hà Nội sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của cả nước; Trung tâm văn hóa khoa học công nghệ và giáo dục quan trọng của cả nước và là trung tâm kinh tế - dịch vụ và thương mại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hà Nội cũng sẽ được xây dựng và phát triển thành TP Xanh – Văn hiến – Văn Minh - Hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững. Trong tương lai, Hà Nội sẽ phát triển năng động và hiệu quả, là biểu tượng cho cả nước, đóng vai trò trung tâm hành chính- chính trị Quốc gia, trung tâm lớn của Quốc gia về văn hóa - khoa học – giáo dục - kinh tế, một trung tâm du lịch và giao dịch Quốc tế có tầm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thủ đô Hà Nội sẽ là nơi có môi trường sống tốt nhất, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi. Quy hoạch này cũng đề ra mục tiêu, nâng cao vai trò vị thế, tính cạnh tranh của Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô của một nước có trên 100 triệu dân, phát triển bền vững và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Đồng thời xây dựng hình ảnh của Hà Nội, một đô thị lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng, phát triển và bảo tồn được đặc thù riêng của Hà Nội; Định hướng, thực hiện triển khai các chủ trương chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của quốc gia và thủ đô và xây dựng mô hình chính quyền đô thị, tự chủ và phân quyền hợp lý cho các đô thị trực thuộc nhằm tạo năng động trong công tác quản lý đô thị và thu hút đầu tư. Lập ra Đồ án này là Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman – Hoa Kỳ, POSCO E&C và JINA – Hàn Quốc). Được biết, đồ án đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước với 468 trang thuyết minh tổng hợp, 100 trang thuyết minh tóm tắt, 81 bản vẽ và 262 trang phụ lục đánh giá hiện trạng và kinh nghiệm quốc tế. “Chúng tôi rất mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của nhân dân để đồ án được hoàn thiện” – website này đăng tải. Năm đô thị vệ tinh Hà Nội cũng sẽ là trung tâm đầu mối giao thông đối ngoại đường bộ, đường sắt, đường hàng không quốc gia, quốc tế. Vùng Hà Nội – Hòa Bình xây dựng Nghĩa trang liên Vùng và bảo vệ nguồn nước sông Đà. Vùng Hà Nội – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Bắc Ninh - Hưng Yên khai thác và quản lý khu xử lý chất thải rắn liên vùng. Vùng Hà Nội – Vĩnh Phúc – Hưng Yên khai thác sông Hồng. Vùng Hà Nội - Hà Nam giải quyết tiêu thoát nước mặt và các giải pháp bảo vệ môi trường sông Đáy. Đồ án cũng đưa ra mục tiêu hạn chế phát triển các khu công nghiệp lớn và chuyển dần các khu công nghiệp trong nội thị ra ngoại thị. Trong TP chỉ ưu tiên các khu công nghiệp công nghệ cao và các tổ hợp đô thị-công nghiệp- thương mại tiên tiến. Diện tích dành cho phát triển công nghiệp của Hà Nội ở ngưỡng 6.000-8.000 ha và ưu tiên phát triển công nghệ cao. Hà Nội cũng sẽ phát triển từ đô thị lõi năm đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên – Phú Minh và Sóc Sơn có dân số từ xấp xỉ từ 21 vạn đến 75 vạn người/1 đô thị. Mỗi đô thị vệ tinh sẽ có một hoặc nhiều nhân tố chính để tạo công ăn việc làm và có chức năng đặc thù riêng để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ... Về giao thông, Hà Nội sẽ cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông đường bộ hiện hữu gồm các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ hướng tâm về đô thị lõi lịch sử và đường vành đai. Xây dựng các tuyến song hành trên các hướng tuyến chính như Quốc lộ 32, đường Láng Hòa Lạc, Quốc lộ 6, 1A, 1B, 5, 3 nhằm chia sẻ sự quá tải cho các tuyến hướng tâm này. Đối với các tuyến vành đai: Hoàn thiện tuyến Vành đai IV, vành đai V, các tuyến cao tốc dọc các hành lang kinh tế quan trọng và kết nối các đô thị đối trọng với thủ đô Hà Nội. Trong đó tuyến đường vành đai IV là đường vành đai ngoài của đô thị hạt nhân. Xây dựng mới bảy cầu, một hầm qua sông Hồng; Xây dựng hệ thống các nút giao cắt khác mức; Cải tạo xây dựng hệ thống các bến, bãi đỗ xe đầu mối. Với hệ thống đường sắt, sẽ cải tạo xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường sắt vành đai song song theo hành lang vành đai IV; Xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Xây dựng mới 5 tuyến đường sắt đô thị (theo dự án đường sắt đô thị của TP Hà Nội cũ) kết hợp xây dựng mới các tuyến đường sắt phục vụ ngoại ô, kết nối với hệ thống đường sắt nội đô và quốc gia thông qua các ga đầu mối. Riêng đường hàng không sẽ nâng cấp cảng hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài lớn nhất phía Bắc, đạt 50 triệu triệu hành khách/năm sau năm 2030; Sân bay Gia Lâm sẽ phục vụ nội địa tầm ngắn./. Song Đào

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Thoi-Su/Hoi-Y-Kien-Nguoi-Dan-Ve-Quy-Hoach-Thu-Do.html