Hôm nay khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Tháo gỡ khó khăn trong hợp tác giữa doanh nghiệp nội và khối FDI sẽ trở thành tâm điểm của diễn đàn năm nay.

VBF năm nay sẽ tập trung vào việc kết nối doanh nghiệp trong nước với khối FDI.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 sẽ được tổ chức sáng nay (16/5). Đây được đánh giá là kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Những vấn đề chính được tập trung năm nay bao gồm: Đánh giá tác động của chính sách toàn cầu tới đầu tư khu vực tư nhân tại Việt Nam; Sự kết nối giữa khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước; Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật...

Trong buổi gặp mặt báo chí chiều qua (15/6), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đồng chủ tịch VBF - cho rằng, không thể tiếp tục để tình trạng “một quốc gia hai nền kinh tế hay một nền kinh tế hai tốc độ tăng trưởng như hiện tại”, khi mà nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước không có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau.

“Khối doanh nghiệp FDI thì nói rằng doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực để tham vào vào chuỗi giá trị của họ, còn doanh nghiệp trong nước lại bảo có khả năng nhưng các doanh nghiệp FDI chỉ thích hợp tác với các doanh nghiệp nước họ”, ông Lộc nêu thực trạng và cho rằng, hai nhóm doanh nghiệp cần phải ngồi lại, phải đưa từng sản phẩm lên bàn để tìm ra giải pháp.

Đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - ông Sagara Hirohide cũng cho rằng, mối liên kết giữa doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước là rất quan trọng, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Trên thế giới một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ những có những vị trí nhất định với những ưu thế về công nghệ. Việc khai thác tối đa những ưu điểm của các nhóm doanh nghiệp này sẽ tạo động lực dẫn dắt nền kinh tế phát triển”, ông Sagara Hirohide nhấn mạnh.

Đối với vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) nhìn nhận, các quy định về lao động, chi phí lao động và quy định về nhập khẩu tài sản cố định là những vấn đề đang nhận được sự quan tâm.

Ví dụ như quy định về tuổi của trang thiết bị nhập khẩu, đại diện JBAV cho rằng, việc áp dụng một mức chung cho tất cả các loại trang thiết bị là không hợp lý khi có sản phẩm có thời gian lỗi thời chỉ trong vài tháng, nhưng có những tài sản đến chục năm cũng không cần thay thế.

Theo Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc, chi phí lao động đang tăng, đặc biệt là mức lương tối thiểu và chi phí bảo hiểm có thể làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài khi đặt mục tiêu đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện JBAV cho rằng, nếu không còn hưởng lợi từ chi phí nhân công, có thể các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải thay đổi mục tiêu hướng đến khi đầu tư. “Thay vì đầu tư để tăng tính cạnh tranh ở thị trường thế giới, các doanh nghiệp có thể hướng đến thị trường trong nước khi Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng với dân số trẻ", đại diện JBAV nhận xét.

VnExpress

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/hom-nay-khai-mac-dien-dan-doanh-nghiep-viet-nam-43148.html