Hơn 1.200 học sinh Quảng Nam không vào được lớp 10 vì phương án xét tuyển mới

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam áp dụng hình thức xét tuyển mới từ cao xuống thấp nên 1.285 học sinh lớp 9 không đủ điều kiện vào lớp 10.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT Quảng Nam áp dụng hình thức xét tuyển theo Quyết định số 1809/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam về “Phê duyệt phương án tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.

Áp dụng hình thức xét tuyển này, các trường THPT chỉ tuyển 90% số học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký vào học lớp 10.

Điểm xét tuyển gồm điểm kết quả rèn luyện, học tập và điểm cộng thêm. Cách xét tuyển sẽ căn cứ chỉ tiêu được giao và điểm xét tuyển, tiến hành xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.

Chính việc áp dụng hình thức xét tuyển mới trên đã khiến 1.285 học sinh lớp 9 của tỉnh Quảng Nam không đủ điều kiện vào lớp 10.

Số học sinh trên có nguy cơ phải nghỉ học, còn nếu học bổ túc hay trung tâm giáo dục thường xuyên thì không phải huyện nào cũng có.

Huyện Nông Sơn có 33 học sinh lớp 9 không vào được lớp 10 có nguy cơ bỏ học vì phương án xét tuyển mới. Ảnh: THPT Nông Sơn

Tìm hiểu của chúng tôi, riêng tại địa bàn huyện Nông Sơn có 33 em học sinh tốt nghiệp THCS không trúng tuyển vào lớp 10 THPT Nông Sơn.

Số học sinh này có nguy cơ phải nghỉ học vì tại địa phương từ trước đến nay không xây dựng trung tâm bổ túc hay trung tâm giáo dục thường xuyên.

Bà Trương Thị Vân (43 tuổi, trú thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) cho biết: “Con trai tôi là Nguyễn Văn Danh (15 tuổi) vừa tốt nghiệp THCS và nộp hồ sơ để xét tuyển vào trường THPT Nông Sơn.

Mấy năm trước, học sinh lớp 9 sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 thì 100% sẽ được xét tuyển vào lớp 10 tại trường THPT Nông Sơn.

Nhưng năm nay, thì áp dụng hình thức xét tuyển mới khiến con trai tôi không đậu, giờ bạn bè đi học hết mà nó ở nhà khiến gia đình rất lo lắng.

Tuổi nó còn nhỏ chưa thể làm gì, trong khi muốn đi học bổ túc hay trung tâm giáo dục thường xuyên thì không được”.

Băn khoăn trước trường hợp của con mình, bà Vân gặp Ban Giám hiệu Trường THCS Quế Trung xin học lại lớp 9 để năm sau xét tuyển lại. Tuy nhiên, phía nhà trường nói con bà đã đỗ tốt nghiệp THCS nên không được học lại.

Ông Thức lo lắng cho con trai ngồi bên không vào được lớp 10. Ảnh: Văn Luận

Một trường hợp khác phản ánh là ông Lê Trí Thức (53 tuổi, trú xã Quế Trung, huyện Nông Sơn có con trai là Lê Quang Bảo (15 tuổi) cũng bị trượt vào lớp 10 ở trường THPT Nông Sơn.

“Nếu giờ để cháu ở nhà thì dễ hư hỏng mà cho cháu đi học thì không biết học ở đâu”, ông Thức giãi bày.

Ngày 21/8, trả lời chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Triêm, cán bộ phụ trách THCS, Phòng GD&ĐT huyện Nông Sơn cho biết:

“Hiện trên địa bàn huyện nông Sơn có tổng số 332 em học sinh lớp 9, số lượng đỗ tốt nghiệp THCS là 328 em. Với cách xét tuyển vào lớp 10 năm 2017 sẽ tuyển 90% số học sinh tốt nghiệp THCS có điểm từ cao đến thấp.

Vì vậy, số lượng học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 là 33 em. Nếu các em học sinh trên địa bàn huyện trượt vào lớp 10 có thể đi học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc đi học nghề”.

Tuy nhiên, ông Triêm thừa nhận, các em học sinh trên muốn học phải đi các nơi khác vì trên địa bàn huyện Nông Sơn hiện tại và trong tương lai không có trường bán công, trung tâm bổ túc hay giáo dục thường xuyên.

Theo ông Hồ Văn Hưng - Chánh VP Sở GD&ĐT Quảng Nam, việc áp dụng xét tuyển và phân luồng học sinh sau THCS tại Quảng Nam được cụ thể hóa từ Chỉ thị 10-CT/TW và Nghị quyết 11-NQ/TU Quảng Nam.

Theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phân luồng học sinh sau THCS, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tại tỉnh Quảng Nam có ít nhất 20% học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Khi áp dụng phương thức xét tuyển và phân luồng này thì theo định hướng đối với 10% học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 có thể đăng ký học trường tư thục, học nghề hoặc học hệ giáo dục thường xuyên.

Nguồn ĐS&PL

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/hon-1200-hoc-sinh-quang-nam-khong-vao-duoc-lop-10-vi-phuong-an-xet-tuyen-moi_n29151.html