Hơn 12 tỷ bồi thường cho cụ ông 43 năm tù oan liệu có phù hợp?

Theo tính toán của người được ông Thêm ủy quyền, việc bồi thường cho ông Thêm được tính thành 2 giai đoạn với mức bồi thường là 12 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 11/8, tại Hội trường Trung tâm huyện Yên Phong, thị Trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đại diện TAND cấp cao tại Hà Nội, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, TAND tối cao, Công an tỉnh Bắc Ninh, Huyện ủy huyện Yên Phong, lãnh đạo UBND xã Yên Phụ đã dự Công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (81 tuổi, ở Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh).

Buổi công khai xin lỗi ngày 11/8 (nguồn: internet).

Tại buổi công bố, cơ quan chức năng chính thức khẳng định, quá trình điều tra đã có đủ căn cứ kết luận ông Thêm không có hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn vào đêm 21/7/1970 . Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Trần Văn Thêm.

Đại diện Liên ngành Tư pháp cũng đã gửi lời xin lỗi ông Trần Văn Thêm vì nhiều năm qua đã không công khai minh oan cho ông. Theo đại diện liên ngành tư pháp, có lý do từ hoàn cảnh chiến tranh.

Tổng mức tiền bồi thường oan sai mà phía ông Thêm yêu cầu là hơn 12,1 tỷ đồng (nguồn: internet).

Sau khi buổi công khai xin lỗi, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó giám đốc Công ty luật Hòa Lợi – người được ông Trần Văn Thêm ủy quyền cho biết, đã soạn thảo xong đơn đề nghị bồi thường cho người mang án tử hơn 40 năm để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, gồm: Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội cùng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường oan sai.

Theo đó, mức bồi thường được ông Hòa đưa ra là hơn 12 tỷ đồng.

Cụ thể, theo tính toán của người được ông Thêm ủy quyền, việc bồi thường cho ông Thêm được tính thành 2 giai đoạn. Giai đoạn bị giam giữ, ở tù tính từ 23/7/1970 đến 30/2/1976 là 2.010 ngày, ông Hòa yêu cầu được bồi thường hơn 1,1 tỷ đồng (bao gồm các khoản tổn thất tinh thần, mất thu nhập thực tế).

Giai đoạn tại ngoại từ 1/2/1976 đến 10/8/2016 , người được ủy quyền yêu cầu bồi thường số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, phía gia đình người chịu tù oan cũng yêu cầu một khoản bồi thường khác gồm chi phí đi kêu oan, chữa bệnh khoảng 800 triệu đồng. Như vậy, tổng mức tiền bồi thường oan sai mà phía ông Thêm yêu cầu là hơn 12,1 tỷ đồng.

Người đại diện được ông Thêm ủy quyền khẳng định con số này đã được tính toán cụ thể trên thực tế căn cứ theo Quyết định 11/C44-P3 ngày 8/8/2016 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Văn Thêm và công thư của Liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương công khai xin lỗi ông Thêm ngày 11/8 vừa qua; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước...

Trao đổi với báo chí, Luật sư Vũ Văn Lợi cho biết: “12 tỉ đồng là số tiền quá lớn đối với một người nông dân, tuy nhiên lại là quá nhỏ cho giá phải trả trong 43 năm oan sai. Bản thân ông Thêm cũng khẳng định rằng điều quan trọng nhất là được minh oan, còn bồi thường thì chỉ cần làm theo quy định pháp luật”.

Cũng theo vị luật sư này, sau khi làm đơn và gửi đến các cơ quan chức năng, bước tiếp theo sẽ là đàm phán giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường và ông Thêm về mức tiền bồi thường. Nếu quá trình đàm phán không thống nhất thì sẽ khởi kiện theo luật Tố tụng dân sự.

Về vấn đề này, đại diện gia đình ông Thêm cho biết nếu kết quả tính toán của luật sư có căn cứ, họ sẽ làm theo khi yêu cầu bồi thường oan sai theo đúng quy định pháp luật.

Nguồn Phụ Nữ Today: http://phunutoday.vn/xa-hoi/hon-12-ty-boi-thuong-cho-cu-ong-43-nam-tu-oan-lieu-co-phu-hop-116609.html