Hơn 15.833 tỷ tiếp tục được bơm ròng vào nền kinh tế, thanh khoản hạ nhiệt

Dù tiếp tục bơm ròng nhưng lượng OMO lưu hành hiện chỉ tương đương một nửa cùng kỳ năm ngoái. Theo SSI Research, tăng trưởng tín dụng thực không lớn như báo cáo, áp lực thanh khoản từ chênh lệch tín dụng với huy động có thể không thật sự cao.

Tiền đồng vẫn giữ ổn định theo đà giảm của USD

Ghi nhận trong tuần từ 13/3 đến 17/3, sự kiện đáng được giới đầu tư chú ý nhất là quyết định nâng lãi suất chính thức của Fed vào ngày 15/3. Trên thị trường ngoại hối, giá trị đồng USD đã giảm mạnh sau quyết định này. Chỉ số DXY đo lường giá trị đồng USD so với rổ ngoại tệ đã giảm 1,05 điểm so với cuối tuần trước.

Theo thống kê của SSI Retail Research, tỷ giá USD đã giảm so với đa số các ngoại tệ khác, cụ thể giảm 0,88% so với EUR, 1,32% so với JPY, và 1,79% so với GBP. Tuy nhiên USD lại tăng giá so với đồng CNY khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng nâng lãi suất khiến tỷ giá USD/CNY tăng nhẹ 0,14%. Việc CNY lên giá đã làm giảm áp lực phải điều chỉnh tỷ giá VND.

Tại Việt Nam, sau khi chủ động nâng tỷ giá trung tâm 34 đồng/USD trong 3 tuần liền trước, NHNN lại giảm tỷ giá trung tâm 12 đồng/USD tuần qua. Tỷ giá giao dịch trên thị trường ngân hàng giảm 20 đồng/USD xuống mức 22.745 - 22.815 đồng/USD. Tỷ giá tự do cũng giảm 65 đồng/USD xuống 22.790 - 22.815 đồng/USD, ngang bằng với tỷ giá chính thức và nằm trong biên độ cho phép. Cùng biến động với đồng USD, VND cũng giảm giá so với các ngoại tệ khác.

Thống kê của SSI Retail Research cho thấy tỷ giá USD/VND nhìn chung biến động ít trong suốt một năm qua, nhất là so với tỷ giá giữa VND và một số ngoại tệ khác.


Diễn biến tỷ giá giữa VND và một số ngoại tệ khác trong 1 năm gần đây

Trong tuần qua, chênh lệch giá vàng trong nước và quy đổi quốc tế đã thu hẹp đáng kể. Tới cuối tuần, mức chênh lệch giảm về 2,8 triệu đồng/lượng, tương đương 7,8%.

Nguyên nhân là bởi giá vàng thế giới tăng +32 USD/ounce (+2.7% WoW) lên 1230 USD/ounce vào cuối tuần. Trong khi giá vàng trong nước tăng ít hơn (0,4%).

NHNN bơm ròng hơn 15.833 tỷ vào nền kinh tế, thanh khoản hạ nhiệt

Trên thị trường tiền tệ, tới cuối tuần, thanh khoản đã hạ nhiệt hơn so với tuần trước. Thanh khoản hồi đầu tuần vẫn rất căng khi lãi suất liên ngân hàng tăng lên đỉnh vào ngày 14/3 ở mức 4,75% cho kỳ hạn qua đêm. Tuy vậy, thanh khoản có dấu hiệu bớt căng về cuối tuần khi lượng OMO bơm ra và lãi suất cùng giảm. Lãi suất qua đêm vào cuối tuần chỉ còn 4,379%/năm, thấp hơn so với cuối tuần trước đó là 4,5%.

Theo SSI Retail Research, rất có thể đây chỉ là căng thanh khoản ngắn hạn bởi lãi suất huy động thị trường 1 vẫn ổn định. Cùng kỳ 2016, lượng OMO đang lưu hành là 55,6 nghìn tỷ, gấp 2 lần lượng OMO đang lưu hành hiện tại.

Tuần qua, NHNN tiếp tục bơm tiền với tổng lượng bơm ròng là 15.833 tỷ đồng. Trong đó lượng OMO bơm ra là 22.375 tỷ và 4.000 tỷ tín phiếu đáo hạn, hút về có 10.542 tỷ OMO đáo hạn. Trước đó, vào tuần đầu tháng 3, NHNN bơm ròng ra hệ thống 10.782 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản. Đây cũng là tuần thứ hai NHNN không phát hành tín phiếu.


Hơn 15.800 tỷ đồng được bơm ròng vào nền kinh tế qua kênh OMO

Bộ phận phân tích của Chứng khoán Sài gòn cũng lưu tâm tới vấn đề chênh lệch tăng trưởng tín dụng và huy động trong tháng đầu năm. Theo thông tin từ UBGSTCQG và NHNN, tín dụng tháng 1 tăng 1,75%, cao nhất 5 năm còn huy động lại giảm 1,6%, thấp nhất 5 năm.

Theo SSI Retail Research, một điều tương đối khó hiểu là tín dụng sau khi đã tăng phi mã gần 4% vào tháng 12/2016 lại tiếp tục tăng gần 2% vào tháng 1, tháng có 1/3 thời gian là nghỉ tết.

Với lượng OMO đang lưu hành thấp hơn nhiều cùng kỳ, SSI Retail Reseearch cho rằng mức độ tăng trưởng tín dụng thực không lớn như con số báo cáo và vì vậy áp lực thanh khoản từ chênh lệch tín dụng với huy động là không cao.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/hon-15-833-ty-tiep-tuc-duoc-bom-rong-vao-nen-kinh-te-thanh-khoan-ha-nhiet-20170321074717518p4c149.news