Hơn 160 hộ dân lập làng trái phép bên đường Đông Trường Sơn

Tại Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng (tỉnh Đắk Lắk), hơn 160 hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ đền bù di dời nhưng thay vì đến khu tái định cư sinh sống, họ lại dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp dọc theo đường Đông Trường Sơn. Việc người dân quay về 'lập làng' trên đất lâm nghiệp gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Dọc hai bên đường Đông Trường Sơn, thuộc khu vực Đập bãi 3 giáp ranh giữa các thôn 9, 11 và 13 xã Cư San, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk, người dân sử dụng máy múc, xe ủi, bạt đồi làm mặt bằng để dựng lên hàng loạt căn nhà gỗ, lán tôn, thậm chí xây nhà ở kiên cố. Theo các hộ dân, lý do làm nhà trái phép tại đây để tiện việc chăm sóc nương rẫy, vì đến khu tái cư mới ở xã Cư Bông, huyện Ea Kar xa tới 60 km mà đất sản xuất chưa có.

187 ngôi nhà dựng trên đất lâm nghiệp tại khu vực Đập bãi 3, xã Cư San, huyện M'Drắk, dọc hai bên đường Đông Trường Sơn.

187 ngôi nhà dựng trên đất lâm nghiệp tại khu vực Đập bãi 3, xã Cư San, huyện M'Drắk, dọc hai bên đường Đông Trường Sơn.

Anh Ma A Đá, chia sẻ: “Trong giấy tờ ghi được nhận khoảng 5 sào đất, 5 sào ruộng, mà có thấy đất hay ruộng đâu. Tôi không thích đi tới đó, về đây dựng chòi ở.”

Thống kê của UBND xã Cư San, hiện có 161 hộ đến dọc hai bên đường Đông Trường Sơn dựng 187 căn nhà để sinh sống. Đây đều là các gia đình thuộc diện di dời phục vụ xây dựng Dự án Hồ thủy lợi Krông Pách Thượng. Trong đó 11 hộ đến khu tái định cư số 2 ở xã Cư Bông, huyện Ea Kar nhưng rồi quay về; 150 hộ không đến Ea Kar mà tới thẳng khu vực này làm nhà ở.

Khu vực người dân dựng nhà chủ yếu là đất rừng, một phần nhỏ đất nông nghiệp. Trước tình trạng này, UBND xã Cư San đã thành lập tổ công tác, đến từng hộ vận động, tuyên truyền để các gia đình chấp hành chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, các hộ gia đình không hợp tác.

Công trình bằng khung sắt ngay sát đường Đông Trường Sơn.

Công trình bằng khung sắt ngay sát đường Đông Trường Sơn.

Ông Trần Văn Thường, cán bộ xã Cư San, thành viên tổ tuyên truyền, cho biết: “Từ khi phát hiện, xã đã thành lập tổ công tác, thường xuyên tuyên truyền vận động các hộ dân không được làm nhà trái phép trên khu vực đó. Đồng thời, lập biên bản ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 132 hộ, mỗi hộ 4 triệu đồng, nhưng hiện nay chưa có hộ nào chấp hành quyết định xử phạt. Tới đây, tổ công tác tiếp tục truyên tuyền vận động các hộ dân di dời ra khỏi khu vực làm nhà trái phép, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định".

Ông Phạm Ngọc Thạch – Chủ tịch UBND huyện M’Drắk cho biết, qua kiểm tra, có hơn 160 hộ san ủi gần 9,5 ha đất rừng và 1,1 ha đất trồng cây lâu năm dọc hai bên đường Đông Trường Sơn để làm nhà ở. Việc này gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Huyện đã làm tờ trình kiến nghị ngành chức năng sớm bố trí đủ đất sản xuất cấp cho người dân ở nơi tái định cư, đồng thời liên tục tuyên truyền vận động, và sẵn sàng lập phương án tổ chức cưỡng chế di dời.

Một căn nhà gỗ đang dựng gần xong

Một căn nhà gỗ đang dựng gần xong

“Huyện đã thành lập một đoàn liên ngành của huyện, xã cũng có đoàn của xã, để tuyên truyền vận động. Và thực hiện các quá trình thủ tục hồ sơ để chuẩn bị điều kiện cho việc cưỡng chế, chứ biết làm sao được", ông Phạm Ngọc Thạch nói.

Tại Dự án Hồ thủy lợi Krông Pách Thượng, riêng ở xã Cư San huyện M’Drắk, có 464 gia đình nhận tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng và được cấp đất ở, đất sản xuất tại khu tái định canh, định cư ở xã Cư Bông, huyện Ea Kar (khu tái định cư số 2). Theo kế hoạch, mỗi hộ được cấp 400 m2 đất ở, 4.600 m2 đất trồng lúa và 5.400 m2 đất sản xuất khác. Tuy vậy, vì nhiều lý do đến nay việc cấp đất vẫn chưa hoàn thành.

Bà Đinh Thị Phương Lập, phụ trách Phòng Giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện khu tái định canh số 1 ở xã Cư Êlang đã có 316 ha đất trồng lúa (đạt 86%) cấp cho 319 hộ, đất trồng hoa màu 51 ha cấp cho 95 hộ. Còn tại khu tái định canh số 2 ở xã Cư Bông, đã hoàn thành 379 ha đất hoa màu (đạt hơn 61%) bàn giao cho 108 hộ. Về đất trồng lúa, chỉ mới thực hiện khai hoang được 65 ha/248 ha, và đang tiến hành các thủ tục cấp cho người dân. Diện tích này sẽ cấp cho 141 hộ trong thời gian tới.

Theo bà Đinh Thị Phương Lập, việc cấp đất sản xuất cho người dân vùng tái định cư phải một năm nữa mới hoàn thành: “Giải phóng mặt bằng khu đất màu, đất lúa thì chậm nhất đến tháng 9/2024 phải xong khâu này, để cho bên xây dựng họ thi công. Khi có mặt bằng thì bên xây dựng tiến hành san ủi và bên mình tổ chức phân lô, cắm mốc và bàn giao cho người dân. Làm cuốn chiếu dần dần, chậm nhất là trong quý II năm 2025".

Như vậy nếu thuận lợi thì hơn một năm nữa người dân đã di dời khỏi Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng mới được cấp đủ đất sản xuất tại khu tái định cư. Và trong thời gian này, những cánh rừng dọc tuyến đường Đông Trường Sơn qua huyện M’Drắk sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng phá rừng chiếm đất, xây nhà trái phép trên đất lâm nghiệp.

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hon-160-ho-dan-lap-lang-trai-phep-ben-duong-dong-truong-son-post1096293.vov