Hơn 2.000 năm nữa, sao chổi mạnh 20 triệu quả bom nguyên tử có thể hủy diệt Trái Đất?

Các nhà khoa học cho biết, vào năm 4479 Trái Đất sẽ bị một sao chổi rộng 26km hủy diệt hoàn toàn sự sống.

Theo các nhà thiên văn, nếu va vào Trái Đất vào ngày 15/9/4479, sao chổi Swift-Tuttle rộng 26 km và di chuyển với vận tốc 60 km/s này có thể gây ra vụ nổ giải phóng nguồn năng lượng tương đương 20 triệu quả bom nhiệt hạch, lớn gấp 30 lần vụ va chạm đã tiêu diệt loài khủng long.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định xác suất Swift-Tuttle đâm vào Trái Đất là vô cùng nhỏ. "Có tới 99,99% nó sẽ chỉ đi qua chúng ta", nhà vật lý thiên văn người Mỹ Ethan Siegel cho biết.

Sao chổi Swift-Tuttle sẽ có thể hủy diệt Trái Đất khoảng 2000 năm nữa. Ảnh minh họa

Sao chổi Swift-Tuttle sẽ có thể hủy diệt Trái Đất khoảng 2000 năm nữa. Ảnh minh họa

Sao chổi Swift-Tuttle cần 133 năm để quay một vòng quanh Mặt Trời. Năm 1992 là lần gần nhất sao chổi này đi vào Thái Dương hệ. Khả năng thiên thể này va vào Trái Đất rất thấp, nhưng lực hấp dẫn của sao Mộc có thể làm vụ va chạm xảy ra, theo các chuyên gia.

Nói về mức độ nguy hiểm của sao chổi đối với Trái Đất, nhà khoa học NASA, Tiến sĩ Joseph Nuth đến từ Trung tâm không gian Goddard ở Greenbelt, Maryland, cho rằng các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách nên mở rộng danh sách các vật thể bay qua Hệ Mặt Trời có nguy cơ phá hủy Trái Đất. Một vụ va chạm của sao chổi thậm chí có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của phần lớn, hoặc tất cả các sinh vật sống chính trên Trái Đất

Trong cuộc họp báo của Liên minh Địa vật lý Mỹ (AGU) tổ chức tại San Francisco, ông nói rằng sao chổi là một mối đe dọa luôn hiện diện. Đã đến lúc sao chổi cần được xem xét khi nhắc đến việc bảo vệ Trái Đất khỏi các tác động ngoài hành tinh, theo Nuth. "Sao chổi hầu hết đều bị bỏ qua bởi những người quan tâm đến bảo vệ hành tinh”.

Một trong những lý do chính khiến sao chổi không được chú ý nhiều là bởi nhiều người suy nghĩ rằng ít có khả năng ngăn chặn được sao chổi, theo nhà khoa học. Việc này xuất phát từ thực tế các nhà khoa học gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện và theo dõi sao chổi."Sao chổi hầu như xuất hiện rất bất ngờ", Nuth nói trong bài thuyết trình của mình.

Nhà khoa học không chỉ lo lắng về việc theo dõi sao chổi mà còn về kích thước, quỹ đạo và vận tốc của chúng. Như Nuth giải thích, sao chổi thường lớn hơn so với các thiên thạch trung bình. Sao chổi có quỹ đạo hình elip, trái ngược với thiên thạch. Trong khi các thiên thạch di chuyển với tốc độ trung bình 71.940 km/h, sao chổi sẽ tăng tốc khi tiếp cận mặt trời.

Khối lượng và vận tốc lớn hơn có nghĩa là nguy cơ xảy ra một vụ va chạm trực tiếp lớn hơn. Theo Nuth, những yếu tố này gộp lại có thể tạo thành khả năng xảy ra “đại hồng thủy".

Theo Nuth, vấn đề hiện nay là Trái Đất không thể làm gì để bảo vệ mình khỏi một vật thể nguy hiểm, trừ khi Trái Đất có ít nhất 5 năm để chuẩn bị hoặc phóng một thiết bị ngăn chặn hoặc can thiệp, sẵn sàng đối phó với cả thiên thạch và sao chổi.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/sao-choi-manh-tuong-duong-20-trieu-qua-bom-nguyen-tu-se-huy-diet-trai-dat-d127542.html