Hơn 2.600 ha vườn dừa ở Bến Tre đã bị nhiễm sâu đầu đen

Dù chính quyền, các ngành chuyên môn và người dân tỉnh Bến Tre đã áp dụng quyết liệt các biện pháp phòng trị bệnh sâu đầu đen hại dừa nhưng loại sâu bọ này vẫn chưa giảm, có chiều hướng lây nhiễm cao.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, từ đầu năm đến nay tổng diện tích vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen trên 388 ha. Lũy kế diện tích nhiễm sâu đầu đen trên vườn dừa từ trước đến nay trên 2.680 ha; trong đó, có hơn 2.100ha đã phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học.

Bến Tre có diện tích vườn dừa chuyên canh lớn nhất cả nước

Để phòng trị sâu đầu đen, ngành chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn toàn tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp hiệu quả các biện pháp quản lý tổng hợp: biện pháp canh tác, biện pháp hóa học và sinh học.

Vườn dừa tại tỉnh Bến Tre đang bị sâu bọ tấn công

Các ngành chức năng, các đơn vị có liên quan tăng cường công tác nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Khoanh vùng điểm phóng thích ong kí sinh không phóng thích đan xen giữa sinh học và hóa học, đảm bảo nguồn ong phát triển ngoài tự nhiên đủ kiểm soát sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh.

Vườn dừa sẽ giảm năng suất khi nhiễm sâu bệnh không phòng trị kịp thời

Từ đầu năm đến nay, tại các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Ba Tri, Giồng Trôm, Trung Tâm Giống và Hoa kiểng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã nhân nuôi 02 triệu ong kí sinh. Tuy nhiên công tác phòng trị sâu đầu đen vào mùa khô hạn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nhân nuôi ong kí sinh và nhân sự của một vài đơn vị chưa đáp ứng nên kết quả nhân nuôi chưa cao, chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch. Giá dừa một thời gian sụt giảm ở mức thấp nên nhiều nhà vườn chưa quan tâm đến công tác phòng trị bệnh cho cây.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hon-2600-ha-vuon-dua-o-ben-tre-da-bi-nhiem-sau-dau-den-post1093082.vov