Hơn 3,6 triệu người tham gia phòng cháy, chữa cháy ở địa phương, cơ sở

Sáng 14-5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Bổ sung quy định về cứu nạn, cứu hộ

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, bên cạnh lực lượng chuyên trách thì còn có các lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở địa phương, cơ sở đang tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Bao gồm lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành (đã thành lập 685 đội với 11.179 đội viên); lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở (đã lập 440.482 đội với 2.788.121 đội viên); lực lượng dân phòng đang được giao tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và được thành lập ở thôn, tổ dân phố (toàn quốc đã lập 79.672 đội với 808.118 đội viên); lực lượng phòng cháy, chữa cháy tình nguyện (đã lập 2.419 đội với 24.299 đội viên).

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.

Điểm đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung quy định đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang thực hiện và chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự; bao gồm, sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố, tai nạn thông thường khác chưa được quy định trong văn bản luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở; nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu quy định rõ công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải ở mức nào thì phải có giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy.

Bảo đảm tính khả thi

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, so với Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh, trong đó mở rộng nội hàm về công tác cứu nạn, cứu hộ.

“Chúng tôi thấy đây là quy định hợp lý vì trong các vụ việc về phòng cháy, chữa cháy có sự liên quan mật thiết đến công tác cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là về người và tài sản”, bà Nguyễn Thị Thanh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận xét, một số quy định về giải thích từ ngữ trong dự thảo luật còn chung chung, gây khó khăn cho quá trình áp dụng cụ thể nên đề nghị làm rõ thêm. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thêm các quy định để bảo đảm thống nhất, dễ hiểu, thuận tiện trong quá trình thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Quan tâm đến công tác quy hoạch phòng cháy, chữa cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, yêu cầu xây dựng quy hoạch có giải pháp thiết kế về phòng cháy, chữa cháy là hết sức cần thiết. “Thời gian vừa qua, công tác phòng cháy, chữa cháy có vấn đề, nên nội dung về thống nhất, phù hợp với pháp luật và quy hoạch cần phải thiết kế cụ thể, rõ ràng hơn trong dự thảo Luật”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, ngoài một số dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường cao cấp thoát nước thì hầu hết các dự án, công trình đều có yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy, trong đó có công trình nhà ở dân sinh. Tuy nhiên, hiện nay đối với đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh còn rất nhiều công trình dân sinh không thể bảo đảm tiêu chí, giải pháp thiết kế về phòng cháy và chữa cháy như trong quy định của dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (điều hành hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua tình hình cháy nổ vẫn xảy ra liên tục, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, xã hội. “Những vụ cháy xảy ra tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh những năm qua là bài học kinh nghiệm đắt giá cho công tác phòng cháy, chữa cháy”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Cho rằng đây là dự án Luật quan trọng, tác động đến kinh tế - xã hội, do đó Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Luật để khắc phục tồn tại hạn chế, bảo đảm khả thi gắn với công tác phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị cần tiếp tục làm rõ phạm vi của quy định về cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm không chồng chéo với các quy định trong Luật Phòng thủ dân sự và các hoạt động có liên quan.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hon-3-6-trieu-nguoi-tham-gia-phong-chay-chua-chay-o-dia-phuong-co-so-666227.html