Hơn 40 năm tử tù oan, ông Thêm sẽ được nhận 12 tỉ đồng?

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, luật sư nhận ủy quyền cho ông Trần Văn Thêm tính số tiền dự kiến đòi tòa án bồi thường oan sai cho thân chủ là hơn 12 tỉ đồng.

Ngày (11.8.2016), ông Trần Văn Thêm chính thức chấm dứt 46 năm bị oan sai

Ngày 13.8, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Công ty luật Hòa Lợi, người được ông Trần Văn Thêm (SN 1936, trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) ủy quyền cho biết vừa hoàn thành và gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với ông Thêm tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Theo đó, tổng số tiền bồi thường trong 46 năm mang thân phận tử tù oan của ông Thêm là hơn 12 tỉ đồng.

Cụ thể, tiền bồi thường giam giữ trong năm năm sáu tháng bảy ngày (2.010 ngày) khoảng 1,1 tỉ đồng gồm: thiệt hại do mất thu nhập thực tế, tổn thất tinh thần.

Tiền bồi thường trong 41 năm (14.530 ngày) mang thân phận tử tù dù đã được tại ngoại là hơn 10 tỉ đồng gồm: mất thu nhập thực tế, tổn thất tinh thần…

Ngoài ra còn các khoản bồi thường khác như chi phí đi kêu oan, chữa bệnh... trong vòng 40 năm là khoảng 800 triệu đồng. Do ông Thêm không giữ được cuống vé, phiếu, hóa đơn và các giấy tờ chi phí đối với khoản này, ông Nguyễn Văn Hòa đề nghị TAND Tối cao, TAND Cấp cao và các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Ông Trần Văn Thêm được người thân và luật sư dắt đến Trung tâm văn hóa huyện Yên Phong- Bắc Ninh.

Trao đổi với Lao Động, luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, cho biết việc làm đơn yêu cầu bồi thường đã có sự chứng kiến và nhất trí của ông Thêm. Số tiền đòi bồi thường này đều dựa trên các căn cứ pháp luật.

Cũng theo luật sư Lợi, với hơn 40 năm oan sai thì số tiền 12 tỉ đồng là quá nhỏ. Sau khi làm đơn và gửi đến các cơ quan chức năng, bước tiếp theo sẽ là đàm phán giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường và ông Thêm về mức tiền bồi thường. Nếu quá trình đàm phán không thống nhất thì sẽ khởi kiện theo luật Tố tụng dân sự.

Cách đây 46 năm, vào đêm 23.7.1970, ông Thêm và người em họ là ông Nguyễn Khắc Văn cùng nhau đi bán thuốc lào và mua quả trám đen. Khi về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên cả hai vào chòi ven đường để ngủ. Khi đang ngủ thì hai anh em bị một người lạ đánh. Bị hai anh em đánh lại, tên cướp lao xuống sông biến mất. Cả hai được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng ông Văn đã tắt thở trên đường. Sau đó ông Thêm bị cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú cáo buộc giết em họ để cướp của.

Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Thêm tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản dù tại tòa ông kêu oan và trình bày ông cũng là nạn nhân. Một năm sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông và y án tử hình.

Cuối năm 1975, ông Thêm được đưa về trại giam của Bộ Công an ở Hà Nội. Hai ngày sau, ông được một cán bộ giải thích là do có vết thương ở đầu nên ông được cấp giấy miễn lao động nặng và được cho về nhà ăn tết với gia đình. Bắt đầu từ đó, không có cơ quan nào hỏi han hay truy xét ông. Và ông Thêm vẫn cứ mang thân phận tử tù trên hành trình kêu oan không mệt mỏi của mình.

Đến ngày (11.8), liên ngành tư pháp Trung ương đã công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm, (81 tuổi, trú thôn Đức Lập, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) chấm dứt 46 năm ông bị oan sai.

Cũng tại buổi công bố này, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội, khẳng định sẽ sớm khẩn trương thực hiện Luật Bồi thường nhà nước như công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng và giải quyết bồi thường oan sai cho ông Thêm theo quy định.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/hon-40-nam-tu-tu-oan-ong-them-se-duoc-nhan-12-ti-dong-583022.bld