Hơn 4000 hiện vật trao tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Ngày 22/9/2016, tại Đà Nẵng, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam, khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam lần thứ 3, trước đấy Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hai cuộc phát động tại Hà Nội vào năm 2015 và tại TP. Hồ Chí Minh đầu năm 2016.

Tại buổi lễ, đồng chí Mai Đức Lộc- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đọc thư kêu gọi, phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam; gửi lời cảm ơn đến các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo, các nhà báo lão thành đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí.

Đồng chí cho biết, Đề án Bảo tàng báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch vào hệ thống bảo tàng quốc gia (Tháng 8/2014). Thời gian qua, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã khẩn trương triển khai các điều kiện cần thiết để bảo tàng sớm đi vào hoạt động. Một trong những nội dung quan trọng là triển khai khai thác, tiếp nhận, sưu tầm hiện vật, tài liệu báo chí của các tổ chức, cá nhân trong cả nước từ khi có hoạt động báo chí đến nay…

Ban Tổ chức trân trọng tiếp nhận các hiện vật do các cơ quan báo chí và nhà báo trao tặng.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc nhấn mạnh: Những hiện vật, tư liệu mà các nhà báo và thân nhân nhà báo hiến tặng hôm nay đã cho thấy một phần lịch sử vinh quang và oanh liệt của đất nước trong chiến đấu và lao động sáng tạo. Đồng thời, Phó Chủ tịch Mai đức Lộc cam kết, các hiện vật sẽ được lưu giữ một cách có hệ thống, khoa học, bảo quản lâu dài và khai thác có hiệu quả để các hiện vật, tư liệu của quá khứ sẽ là niềm tự hào, tỏa sáng cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau, tạo điểm đến hữu ích, góp phần nâng cao nhận thức và tình cảm của những người nghiên cứu lịch sử và văn hóa.

Những hiện vật quý do các cơ quan báo chí và các nhà báo khu vực miền Trung và Tây Nguyên trao tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Tại buổi lễ này, Ban Tổ chức đã tiếp nhận hơn 4.000 hiện vật có giá trị liên quan đến nghề báo, người làm báo, phản ánh các sự kiện lịch sử phong phú của khu vực miền Trung và Tây Nguyên do đại diện các cơ quan báo chí, các nhà báo trao tặng như: chiếc hộp đèn dầu được các nhà báo sử dụng trong thời chống Mỹ (Báo Nghệ An), Thư Bác Hồ gửi báo Hà Tĩnh (Báo Hà Tĩnh), những bức ảnh của các nhà báo nước ngoài tác nghiệp tại Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ (Báo Quảng Bình), chiếc loa nén 500W đặt bên bờ Hiền Lương trong kháng chiến chống Mỹ, kỷ vật của nhà báo Hoàng Kim Tùng- Phó Tổng biên tập Báo Quảng Đà – hy sinh tại Hòn Tàu (Báo Quảng Trị), danh mục các bài viết, bút danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thẻ nhà báo của nữ nhà báo Nguyễn Khoa Bội Lan được cấp năm 1948 (Báo Thừa Thiên Huế); loa phát bằng nhôm, đồng hồ trở kháng (Hội Nhà báo Gia Lai)…

Các cơ quan báo chí, truyền hình, nhà báo hoạt động tại Đà Nẵng cũng hiến tặng nhiều hiện vật giá trị. Báo Đà Nẵng trao tặng Bản gốc tờ báo Gung Dưr (Vùng Lên) – tờ báo bằng hai thứ tiếng phổ thông và Cơtu đầu tiên ở miền núi xứ Quảng, ra đời năm 1959; Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố tặng Tờ báo Tiếng Dân số 1105, ra ngày 7/9/1937, hiện vật gắn với sự nghiệp làm báo của Nhà báo Huỳnh Thúc Kháng; các nhà báo Đỗ Kỳ, nhà báo Nguyễn Vân Nam, gia đình nhà báo Đoàn Bá Từ trao tặng hiện vật gắn với nghề làm báo như: máy đánh chữ, bộ sưu tập báo cắt dán Hồ Chí Minh, máy quay phim… Những hiện vật quý được hiến tặng tại buổi lễ này chính là những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, là lời kêu gọi, nhắc nhở các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/hon-4000-hien-vat-trao-tang-cho-bao-tang-bao-chi-viet-nam/