Hồn quê trong tranh gạo

Nhắc đến nghệ thuật hội họa, mọi người thường nhắc đến những bức tranh được tạo nên bởi các nguyên liệu từ màu nước, sơn mài, chì, với màu sắc sặc sỡ,...

Nhắc đến nghệ thuật hội họa, mọi người thường nhắc đến những bức tranh được tạo nên bởi các nguyên liệu từ màu nước, sơn mài, chì, với màu sắc sặc sỡ, chứ chưa ai nhắc đến tranh vẽ bằng nguyên liệu tạo màu làm từ hạt gạo. Thế nhưng, ở Quảng Trị, hơn 2 năm qua đã xuất hiện những bức tranh được vẽ nên bằng màu sắc làm từ những hạt gạo của nền văn hóa lúa nước hơn 4 ngàn năm của người Việt. Người làm nên cuộc "cách mạng" đó là chị Trương Thị Kiều, ở khóm 5, thị trấn Diên Sanh, H.Hải Lăng, Quảng Trị.

Nằm khép mình trên đường Trần Phú trong thị trấn Diên Sanh, không ồn ào như những phòng tranh thường là nơi giao lưu, hội ngộ của tao nhân mặc khách, đại gia giàu có..., đến cơ sở sản xuất tranh gạo Kiều Trân của nữ nghệ sĩ Trương Thị Kiều, người yêu nghệ thuật hội họa sẽ được chìm đắm trong không gian làng quê của nền văn hóa lúa nước đặc trưng. Nhìn những bức tranh màu sắc hiền hòa, dân dã và bình dị của chốn thôn quê, ít ai có thể ngờ được màu sắc làm nên những bức tranh sống động đó đều là do sự uyên thông, kinh nghiệm, niềm đam mê của nữ nghệ sĩ, tạo nên từ sự tinh khiết của hạt gạo.

Nghệ sĩ Trương Thị Kiều cho biết: Tất cả các bức tranh gạo do cơ sở sản xuất đều được tạo từ màu sắc của gạo mà không dùng các loại màu khác. Màu sắc trên tranh gạo Kiều Trân được tạo nên bởi gạo rang trên lửa trong các nhiệt độ khác nhau để tạo màu theo từng chủ đề của bức tranh, qua sự cảm nhận tinh tế, kinh nghiệm cùng niềm đam mê của người nghệ sĩ. Không ít người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, trước lúc đến với tranh gạo, kiến thức về hội họa của nữ nghệ sĩ Trương Thị Kiều hầu như là con số không. Từ nhỏ chị chưa hề tiếp xúc với nghệ thuật hội họa, học hết phổ thông, thi đỗ Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, học chuyên ngành kế toán rồi đi làm kế toán cho doanh nghiệp. Chị tâm sự về cơ duyên gắn chị với tranh gạo: "Tôi muốn tạo nên sự khác biệt với khuôn mẫu, đặc biệt là muốn giới thiệu với mọi người trong nước và trên thế giới về nền văn hóa lúa nước của người dân Việt Nam nói chung và H. Hải Lăng, vựa lúa trọng điểm của tỉnh Quảng Trị nói riêng, qua các bức tranh tôi tặng bạn bè đang học, làm việc tại các địa phương trong và ngoài nước".

Chị Kiều bên một bức tranh gạo.

Để quảng bá thương hiệu tranh gạo ra thị trường, đến với người yêu hội họa, cũng để giới thiệu với mọi người về miền đất Quảng Trị gió lào, cát trắng, nắng vàng, hiện cơ sở tranh gạo Kiều Trân đã hợp đồng trưng bày sản phẩm với các cơ sở sản xuất, trưng bày tranh ở một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh và một số nước như Mỹ, Nhật, Australia...

Tạo nên một bức tranh gạo phải trải qua nhiều công đoạn: Theo chị Kiều, vẽ tranh, làm khung, rang gạo, dán gạo lên khung..., trong đó rang gạo, dán gạo là 2 công đoạn phức tạp nhất, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có niềm đam mê, kinh nghiệm để tạo nên màu sắc qua từng hạt gạo khi rang và sự tỉ mẩn khi ghép các hạt gạo lại thành bức tranh cho màu sắc thật hài hòa. Với niềm đam mê, tính cẩn thận, cầu toàn, mỗi khi thực hiện xong một bức tranh, chị Kiều đều tự mình đi tìm mua gạo và rang tạo màu. Rồi chị hoặc người làm sẽ tỉ mẩn dán gạo lên tranh, rồi phun hóa chất chống mối mọt, phun dầu bóng chống ẩm để hoàn thiện bức tranh. Sau 2 năm hoạt động, cơ sở tranh gạo Kiều Trân đã làm được khoảng 500 bức tranh gạo kích cỡ các loại, giá từ vài trăm ngàn đến hơn 10 triệu đồng/bức. Qua đó, cơ sở đã trực tiếp giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng; gián tiếp cho nhiều lao động khác. Chị Kiều chia sẻ: Sắp tới cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất tranh bằng lá cây, giữ đúng màu sắc nguyên bản bằng công nghệ sấy thăng hoa (phương pháp sấy bằng nhiệt độ âm). Chị mong được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn để trang bị thêm máy móc, thiết bị, mở rộng cơ sở sản xuất.

T.B

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_162891_ho-n-que-trong-tranh-ga-o.aspx