Hồng Kông: Quân đội Trung Quốc "ngứa mắt" cũng phải ngồi im

Phong trào "chiếm trung tâm" tại Hồng Kông đã bước sang tuần thứ 2 mà vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Liệu có khả năng Trung Quốc sẽ dùng quân đội để thiết lập an ninh tại đặc khu này không? Reuters có một bài phân tích để đánh giá về khả năng này.

Thiểu tướng Tan cụng ly với ông Lương Chấn Anh

Thiếu tướng Tan Benhong, tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Hồng Kông, vẫn bình tĩnh mặc quân phục khi ông cụng ly sâm banh với các quan chức khác hôm Thứ tư tại Trung tâm Hội nghị Hồng Kông nhân ngày quốc khánh Trung Quốc.

Nhưng bên ngoài Trung tâm Hội nghị là một quang cảnh khác hẳn khi hàng nghìn người biểu tình đòi dân chủ đang khiến bầu không khí tại Hồng Kông trở nên huyên náo và ngột ngạt. Khi các cuộc biểu tình bước vào tuần thứ hai và xuất hiện bạo lực trên đường phố, một số người biểu tình Hồng Kông lo sợ quân đội của tướng Tan cuối cùng cũng được lệnh để đè bẹp phong trào "chiếm trung tâm". Quân đội Trung Quốc cũng đã từng tham gia ổn định cục diện tại Bắc Kinh cách đây 1/4 thế kỷ..

Pháp lý không phải rào cản lớn. Việc triển khai quân đội Trung Quốc được điều khiển bởi "hiến pháp thu nhỏ" của Hồng Kông là Luật cơ bản, trong đó nêu các đơn vị đồn trú không được phép "can thiệp" vào công việc của thành phố. Tuy nhiên, khi các nhà lãnh đạo của Hồng Kông yêu cầu sự giúp đỡ để giữ trật tự hoặc xử lý thảm họa thì quân đội Trung Quốc sẽ được phép triển khai.

Hiện ở Hồng Kông, Trung Quốc duy trì lượng quân từ 8.000 đến 10.000 người, chủ yếu là bộ binh, chưa kể căn cứ bên kia biên giới ở Thâm Quyến Ngoài ra, còn có một lượng hải quân và không quân nhỏ. Quân đội Trung Quốc được đặt trong 19 căn cứ ở cả trong và ngoài thành phố mà họ họ tiếp quản từ quân đội Anh.

Các nhà ngoại giao nước ngoài đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến, chú ý các động thái gần đây của quân đội Trung Quốc trong việc "nâng cấp căn cứ" tại Hồng Kông và các báo cáo chưa được xác nhận rằng quân Trung Quốc ở Hồng Kông có các cuộc tập trận chống bạo động.

Nhưng các cố vấn của chính phủ Hồng Kông và chuyên gia tin rằng giới lãnh đạo ở cả Bắc Kinh và Hồng Kông đều hiểu được cái giá chính trị rất đắt nếu ra lệnh cho quân đội Trung Quốc ra khỏi doanh trại để "ổn định tình hình". Khi đó cũng đặt dấu chấm hết cho nền tự chủ của Hồng Kông theo cơ chế "một quốc gia hai chế độ" mà Bắc Kinh trao cho đặc khu này.

"Tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách cao cấp ở Hồng Kông nhận thức đầy đủ rằng nếu quân đội Trung Quốc đã được triển khai, trong con mắt của thế giới sẽ là sự kết thúc của hệ thống "một quốc gia, hai chế độ", một cố vấn thân cận của ông Lương Chấn Anh nói với Reuters.

Vị cố vấn này lưu ý rằng các quan chức chính quyền địa phương đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cảnh sát địa phương với 27.000 nhân viên - gồm cả các đơn vị chống bạo động bán quân sự - hoàn toàn có khả năng đối phó với tình hình đang diễn ra.

Một chuyên gia về lĩnh vực an ninh ở đại lục cho rằng Bắc Kinh nhận thức sâu sắc về những rủi ro của việc sử dụng quân đội Trung Quốc ở Hồng Kông. "Tôi chắc chắn các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh biết rằng bất kỳ sự tham gia như vậy sẽ phải trả giá chính trị lớn. Vì lý do đó, quân đội Trung Quốc ở Hồng Kông được duy trì chủ yếu như một sự hiện diện mang tính biểu tượng".

Anh Tú (theo Reuters)

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/ho-so-phan-tich/hong-kong-quan-doi-trung-quoc-ngua-mat-cung-phai-ngoi-im-108348.html