HoREA đề xuất xây nhà 'xấu, chật một chút' để đáp ứng nhà ở thu nhập thấp

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng thị trường bất động sản chỉ có thể phát triển bền vững khi giải quyết được nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân, trước hết là người có thu nhập trung bình - thấp và người nhập cư, chiếm tỷ lệ hơn 85% dân số.

Đây là kiến nghị tại tại Hội thảo Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM ngày 7/10.

Theo HoREA, TP.HCM hiện có gần 13 triệu dân, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư. Tốc độ đô thị hóa cao nhất nước với dân số tăng trung bình mỗi năm tương đương dân số một quận. Số liệu thống kê của Sở Xây dựng cho thấy toàn thành phố có 476.000 hộ chưa có nhà ở riêng, 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

Theo một kết quả khảo sát khác do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM thực hiện, chỉ riêng nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu. Đây cũng là thách thức lớn nhất vì nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung nhà ở thương mại vừa túi tiền, và nguồn cung nhà ở xã hội còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu.

Do đó, theo HoREA, trong giai đoạn hiện nay, đa số người dân có thu nhập thấp chỉ có nhu cầu nhà ở tối thiểu, có thể "xấu một chút, chật một chút". Sau vài chục năm khi đất nước giàu mạnh sẽ chỉnh trang thành đô thị hiện đại, như cách làm và con đường phát triển đô thị mà Singapore đã trải qua.

Hiệp hội này cũng đề nghị cho phát triển các khu đô thị vệ tinh "chuẩn thấp" dành cho người có thu nhập thấp đô thị với các loại nhà vừa túi tiền, ưu tiên phát triển căn hộ nhà ở xã hội (cho thuê, thuê mua), căn hộ nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (từ 1,5 triệu đồng đến khoảng 3 triệu đồng/tháng).

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: “TP.HCM cần được áp dụng cơ chế đặc thù, nhất là trong lĩnh vực tài chính để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị. Mục tiêu của chương trình là tập trung nguồn lực đầu tư để chỉnh trang và phát triển đô thị.

Phấn đấu đến năm 2020, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người dân đang sống trên và ven các kênh, rạch. Cùng với đó là xây mới, cải tạo 50% số chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975”.

Đưa dân về nơi đất cao

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa – chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM thì đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước của TP.HCM không nên cho phép tăng thêm dân số, xây dựng công trình ở khu vực có nền đất yếu, đã, đang và sẽ bị ngập do biến đổi khí hậu. Tại các khu vực nền đất cứng, cao ráo thì phát triển đô thị nén, chứ không nên phân bố dân số theo kiểu “chia đều” như hiện nay.

Để chống ngập, đề nghị TP.HCM khôi phục lại dòng chảy đoạn thượng nguồn kênh Nhiêu Lộc (mà nay đã biến thành cống hộp, hoặc đã bị lấn chiếm như kênh A41, kênh Hy Vọng, kênh Nhật Bản) để góp phần tiêu thoát nước cho khu vực Tân Bình - sân bay Tân Sơn Nhất.

Kinh nghiệm trước đây, vào đầu những năm 2000, TP.HCM đã quy hoạch các hồ điều tiết nước lớn các khu vực; dành quỹ đất tự nhiên dự trữ cho nước chảy tràn; khu vực nội thành còn chưa bị bê tông hóa cao độ.

Thành phố cũng đã quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đào lại hồ có diện tích bằng hoặc lớn hơn để trả lại diện tích mặt nước đã bị san lấp trong khu vực dự án. Đồng thời đã công bố quy định không được xây dựng công trình kiến trúc ven bờ các sông rạch, như đối với sông Sài Gòn từ mép cao bờ sông vào đến 50m, các sông rạch khác từ 10m, 20m không được xây dựng công trình, để bảo vệ hành lang kênh rạch.

Nhưng việc thực hiện các quy định đúng đắn này chưa nghiêm trong những năm qua cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng úng ngập nặng ngày nay khi có triều cường và mưa to.

Cần phát triển công trình xanh

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA kiến nghị cơ quan quản lý quy hoạch nên nhận thức về TP.HCM là thành phố sông nước - nhiệt đới - phương Nam để định hướng phát triển đô thị và nhà ở phù hợp. Từ đó khuyến khích các công trình kiến trúc đạt tiêu chuẩn xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng thiết bị, vật liệu mới thân thiện môi trường, tiết kiệm điện, nước. Đồng thời cần "Việt hóa" các mô-tuýp kiến trúc nước ngoài để tránh lai căng.

Dưới góc độ doanh nghiệp bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Khang cho rằng: “Nếu so với các TP khác có tỉ lệ mảng xanh bình quân đầu người khá cao như Singapore hơn 30 m2/người, Seoul 41 m2/người, Berlin, Đức 50 m2/người… thì TPHCM quá ít ỏi, nội thành chỉ 2,4 m2/người.

Vừa qua, chúng tôi đề xuất chính quyền TP đề ra một số cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh như ưu đãi về tài chính, vốn vay, thuế, thủ tục hành chính, đơn giá thiết kế xây dựng xanh, hiện Công ty đang triển khai một số dự án, công trình xanh theo tiêu chuẩn Leed của Mỹ”.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/horea-de-xuat-xay-nha-xau-chat-mot-chut-de-dap-ung-nha-o-thu-nhap-thap-20161007075751957p4c148.news