Hư cấu phải tôn trọng lịch sử!

Gần đây người ta hay nhắc đến hai chữ 'giải thiêng' như là một thứ mốt thời thượng, thực ra khái niệm này ra đời trong khuynh hướng hậu hiện đại phương Tây đã lâu nhưng ở ta đang có hiện tượng lạm dụng.

“Giải thiêng” gắn liền với nhu cầu nhận thức lại, nghĩa là đánh giá lại một hiện tượng nào đó trên cơ sở phân tích, bàn luận một cách khoa học, nghiêm túc. Nếu đáng “giải thiêng” thì phải “giải thiêng” chứ không thể nói ngược, xóa bỏ tính thiêng của thần tượng đã được lịch sử khẳng định. Gần đây có một vài văn nghệ sĩ có dụng ý không hay là “hạ bệ” (cũng là giải thiêng) Anh hùng Võ Thị Sáu, một thần tượng của ngay kẻ thù là thực dân Pháp và tay sai. Thế là “nói ngược” để gây chú ý. Mấy năm trước rộ lên “phong trào” viết về cải cách ruộng đất, nhất là trong tiểu thuyết. Đó là chủ đề đáng viết vì là một ký ức lịch sử. Nhưng cái đáng bàn là lẽ ra phải phân tích cái được cái mất, cái hạn chế, cái tích cực, bài học và ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa nhân văn… thì có tác giả lại thích thú đi sâu vào cái sai lầm, cái bi tạo ra cảm giác nặng nề về ý nghĩa cách mạng của cuộc cải cách lịch sử này. Trước đó, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã “giải thiêng” Hoàng đế Quang Trung, chung quanh chuyện này đã tạo ra tranh luận: Đọc văn phải khác đọc sử. Sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có cái nhìn chung, nhất quán. Nhà văn có quyền hư cấu nhưng chỉ nên hư cấu trên nền sự thật, nghĩa là Quang Trung là anh hùng thì có thể tưởng tượng thêm những tính cách mới nhưng vẫn phải để người đọc thấy đó là anh hùng Quang Trung. Ngược lại, hư cấu ít mà lại “giải thiêng” làm méo mó thần tượng thì cũng là đáng trách. Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp là như vậy, dĩ nhiên ta vẫn khẳng định ông là nhà văn tài năng. Gần đây hơn, Nguyễn Quang Thân trong “Hội thề” cũng đi vào “lối mòn” cũ khi xây dựng thần tượng Lê Lợi với những “tiểu khí” nhỏ nhen, thô lỗ, cuồng sát… còn Nguyễn Trãi lại quá yếu đuối, nhu nhược. Trong khi đó tướng giặc xâm lược lại có vẻ nghĩa hiệp và hào hiệp… Thật không đúng với lịch sử! Tác dụng giáo dục của văn chương liệu có còn khi có những chi tiết như thế trong văn học. Từ góc nhìn này ta thấy Võ Thị Hảo trong “Giàn thiêu” cũng sai sót khi “giải thiêng” nhân vật huyền thoại Từ Đạo Hạnh vốn đã được tôn thờ trong tâm thức dân gian.

Bi kịch lịch sử luôn là đề tài hấp dẫn, mời gọi những cách lý giải mới, nhưng không nên “nói khác” lịch sử. Gần đây, hình tượng Anh hùng Nguyễn Trãi cùng vụ án Lệ Chi viên hay được khai thác, tiếc rằng có tác giả mải mê theo mô-típ “giải thiêng” làm sai lệch cách hiểu đã ổn định. Đó là trường hợp cuốn “Vạn Xuân” miêu tả Nguyễn Trãi làm tình rất bản năng với một gái làng chơi. Bản năng tính dục thì ai cũng có, nên có thể hư cấu nhưng với “gái làng chơi” là khó chấp nhận, lại theo kiểu “hùng hổ” như “xé xác một con chim non” thì quả không đúng với con người Nguyễn Trãi đại nhân, đại trí với tầm văn hóa đi trước thời đại. Tương tự, trong “Trở về Lệ Chi viên” miêu tả một Nguyễn Trãi tầm thường với chuyện giường chiếu, một Thị Lộ xảo quyệt, đầy ham hố dục tính, lăng nhăng… thì là những chuyện “phản lịch sử”…

Phần lớn nguyên nhân những sai sót trên là thuộc về quan niệm chứ không phải kỹ thuật hay tri thức. Sẽ là khoa học, là chân lý và công lý như chỉ “giải thiêng” những nhân vật lịch sử nào bị nhìn nhận sai lệch, bản chất là xấu nhưng lại được đánh giá là tốt, rồi vạch ra công tội rõ ràng. Hẳn nhiên văn học khác sử học, một là nghệ thuật hình tượng, một là số liệu, dữ liệu. Nhưng giữa văn và sử có một nét chung, văn học là khoa học về con người, mà lịch sử, xét đến cùng cũng là con người. Chân lý nghệ thuật không đồng nhất nhưng thống nhất với chân lý lịch sử, thống nhất ở chỗ đều lấy con người làm mẫu số chung. Làm méo mó lịch sử, tức là làm méo mó con người, và ngược lại! Trung thực với lịch sử là trung thực với con người, nhất là với các vĩ nhân thì thật đáng kính, đáng trọng vì họ đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Làm tổn thương biểu tượng cũng là làm tổn thương bạn đọc!

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/hu-cau-phai-ton-trong-lich-su-517140