Huế: Người dân trồng hoa điêu đứng sau lũ muộn khiến Tết buồn nhiều hơn vui

Về làng hoa Phú Mậu, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) trong những ngày giáp Tết, khác với không khí hối hả hàng năm, năm nay là một khung cảnh đìu hiu.

Phú Mậu là làng hoa truyền thống của xứ Huế, với các loại hoa được trồng chủ yếu như cúc, vạn thọ, lan, mào gà,... lấy giống từ Đà Lạt, Hà Nội và một số giống hoa truyền thống của Huế. Người dân nơi đây cũng đã “cắm rễ” với nghề trồng hoa này từ đời này qua đời khác, để kiếm thêm thu nhập phục vụ cho dịp Tết.

Thế nhưng năm nay, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, kết hợp xả lũ trong những ngày cuối năm 2016 khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế lên nhanh, nhấn chìm hàng chục ha hoa màu, đặc biệt là hoa cúc vụ Tết của nông dân.

Cảnh hoang tàn sau mưa lũ của những vựa hoa truyền thống ở xã Phú Mậu.

Với số lượng đất màu chủ yếu trồng hoa, lịch gieo giống từ tháng 9 âm lịch nếu thời tiết ủng hộ thì hoa nở đúng dịp Tết. Nhưng do chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 7 cũng như mưa kéo dài hơn 3 tháng liên tiếp trong năm 2016, nên không chỉ làng hoa xã Phú Mậu mà ở các xã khác gần như mất trắng mùa hoa không đủ hoa để cung ứng ra thị trường Tết.

Có mặt tại vựa hoa của hộ gia đình bà Hà Thị Hiệp (58 tuổi), trú tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, bà Hiệp cho biết: “Năm nay, gia đình tôi trồng trên 30.000 ngàn cây hoa các loại với diện tích hơn 3 sào đất. Nhưng số lượng hoa chết do mưa lũ kéo dài cũng mất hơn 2 sào, gây thiệt hại lớn cho gia đình. Với gần 1 sào hoa còn lại lấy giống từ Đà Lạt như cúc, vạn thọ, mào gà…, thì chúng tôi đang cố gắng chăm sóc, thắp điện hằng đêm và tưới nước để mong nở đúng dịp Tết sắp tới”.

“Không chỉ gia đình tôi, mà phần lớn các hộ dân trồng hoa ở xã Phú Mậu đều bị mất mùa do thời tiết không ủng hộ. Mong sao số hoa còn lại sẽ bán được giá, để trang trải bớt phần nào số vốn và công sức mà chúng tôi đã bỏ ra”, bà Hiệp chia sẻ thêm.

Mưa lớn kéo dài khiến hàng chục ha hoa không thể phát triển được.

Trong trận lũ, hàng trăm ha hoa bị ngập, hư hại, người dân khóc ròng.

Cũng như gia đình bà Hiệp, hộ ông Nguyễn Xuân Ánh (54 tuổi), trú tại thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu chia sẻ: “Gia đình tôi trồng khoảng 4 sào với gần 50.000 ngàn cây hoa cúc, vạn thọ, nhưng do trồng tại nhà nên thiệt hại ít hơn, không giống như các hộ gia đình trồng tại khu quy hoạch của Hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, đợt lũ cuối năm 2016 cũng đã làm thiệt hại ít nhiều".

Theo tìm hiểu của PV, cả xã Phú Mậu chỉ còn khoảng vài sào đất có hoa kịp cung ứng thị trường đúng dịp Tết Đinh Dậu 2017, nên những ngày giáp Tết này, bà con đang dốc hết sức để chăm sóc, bón, tỉa lá cho số hoa này.

Vựa hoa Tết của hộ ông Nguyễn Xuân Ánh vừa mới cải tạo lại sau đợt lũ

Đang loay hoay với những luống hoa cúc có khả năng bị mất trắng, ông Phan Văn Duy chia sẻ: "Năm nay, làng hoa không còn nhộn nhịp như mọi năm. Cuộc sống người dân xã Phú Mậu và các xã khác thuộc huyện Phú Vang, giờ đây trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, nguồn thu nhập chính để đón Tết đã mất nên nay là một cái Tết buồn nhiều hơn vui".

Trao đổi với PV, ông Trần Hữu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết: “Toàn xã hiện có 13ha đất canh tác trồng hoa tại các hợp tác xã và thôn. Nhưng đợt lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đến 90%. Về số diện tích hoa còn sống thì không phát triển được do mưa lạnh và trời rét kéo dài".

"Do nước lũ rút chậm nên chính quyền và người dân không có cách gì cứu hoa, gây thiệt hại nặng nề. Hiện với tình trạng trên, chúng tôi đã triển khai những giải pháp như tỉa dậm, phun thuốc kích thích để hoa kịp nở đúng dịp Tết. Đồng thời, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn với chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế nhằm ổn định cuộc sống", Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết thêm.

Thiên Lâm - Trần Hồng

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/tin-tuc-24h-nguoi-dan-trong-hoa-dieu-dung-sau-lu-muon-khien-tet-buon-nhieu-hon-vui-a178759.html