Hưng Yên: Từ truyền thống văn hiến đến hiện đại

Về Hưng Yên hôm nay, chúng ta dễ dàng cảm nhận được những thay đổi của xứ nhãn sau 15 năm tái lập, những khu công nghiệp với hàng trăm nhà máy xí nghiệp đồ sộ dọc 2 bên QL5, QL39, những vùng quê sum xuê trái ngọt. Trong không gian của thành phố trẻ hiện đại ấy vẫn hiện diện bóng dáng cổ xưa trầm mặc của Phố Hiến xưa làm nhiều người xa quê không khỏi ngỡ ngàng mỗi khi trở về.

(ĐCSVN) -

Văn miếu Xích Đằng - Một minh chứng về truyền thống văn hiến,
hiếu học của tỉnh Hưng Yên

* Truyền thống từ một vùng quê văn hiến
Trải qua các giai đoạn lịch sử, vùng đất Hưng Yên thuộc đơn vị hành chính là lộ, phủ, thừa tuyên, trấn, xứ... có giao thương khá phát triển, với thương cảng Phố Hiến đông vui nhộn nhịp, là nơi hội tụ của các tàu, thuyền nước ngoài đến buôn bán. Ở thế kỷ 17, Phố Hiến thật sự trở thành đô thị sầm uất "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Tỉnh Hưng Yên được thành lập vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), triều đình phong kiến nhà Nguyễn đặt đơn vị hành chính là tỉnh, với tên gọi chính thức là tỉnh Hưng Yên.
Tự hào là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, người dân Hưng Yên còn mang trong mình niềm hãnh diện về một vùng đất văn hiến, hiếu học và rất trọng nhân tài, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn của đất nước. Văn Miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn - TP Hưng Yên) hiện vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn, với 9 tấm bia ghi danh 138 vị đỗ đại khoa từ thời Trần đến năm 1919 - khoa thi cuối cùng của khoa cử Nho học. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất Hưng Yên thời nào và lĩnh vực nào cũng có những nhân tài mà sử sách còn ghi danh như Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Lê Hữu Trác... Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, vùng đất Hưng Yên cũng tự hào là nơi sinh ra những nhà hoạt động chính trị, những người chiến sĩ kiên trung như Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, Tô Hiệu, Bùi Thị Cúc...

Hưng Yên là tỉnh có chi bộ Đảng được thành lập sớm ngay từ cuối năm 1928 với tên gọi chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Sài Thị. Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hưng Yên là tiền đề quan trọng đối với sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên năm 1941. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, cuối năm 1940 đầu năm 1941, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục thành lập các chi bộ Đảng. Tháng 7-1941, Ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hưng Yên được thành lập. Đến nay, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên có 590 tổ chức cơ sở đảng, với trên 58 nghìn đảng viên. Với những chiến công to lớn của quân dân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1952, Hưng Yên đã được Bác Hồ tặng cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”. Năm 1960, Trung ương Đảng thưởng cờ “Dẫn đầu về bổ túc văn hóa”, được Bác Hồ ký lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba và Hạng Nhì về Bổ túc văn hóa. Hưng Yên cũng là tỉnh dẫn đầu Quân khu Tả ngạn về quân sự. Hưng Yên cũng đã vinh dự được Bác Hồ 4 lần tặng Cờ Luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc. Điều đáng nói là, nhân dân Hưng Yên đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, làm nên những chiến công hiển hách như: "Đường 5 bất khuất", "Bãi Sậy kiên cường", phong trào nữ du kích Hoàng Ngân nổi tiếng, mô hình "Làng kháng chiến" kiểu mẫu của đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, nơi đây đã từng là điểm sáng của phong trào làm thủy lợi, bổ túc văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa của cả nước... Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Hưng Yên ra sức chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền nam thống nhất đất nước...Giai đoạn 1968-1996, tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến Hạng Nhất và hai lần thưởng Cờ Luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...

Đặc biệt, Hưng Yên là tỉnh tiến hành thành công công cuộc đổi mới, nhất là sau 15 năm tái lập, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Sao vàng; Huân chương Độc lập hạng Nhất giai đoạn 1997-2005; 10/10 huyện, thành phố và 72 xã, phường, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 4 đơn vị được tuyên dương Anh hùng lao động; 29 cá nhân được truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, 4 Anh hùng lao động, trên 900 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

* Vượt khó vươn lên
Nhớ ngày đầu mới tái lập năm 1997, Hưng Yên đứng trước muôn vàn khó khăn thiếu thốn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ 180 USD/năm; cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém, đường 39 xuống cấp, công nghiệp hầu như không có gì với một số xí nghiệp sản xuất nhỏ lẻ lao đao trong cơ chế thị trường. Những cánh đồng mầu mỡ nhưng một năm chỉ làm bạn với 2 vụ lúa khi được khi mất. Hưng Yên "thua chị kém em" mọi bề.

Trong bộn bề thử thách, để vượt lên khó khăn đi qua nghèo khó, Hưng Yên đã chọn hướng đi thích hợp cho hội nhập. Trong bối cảnh xuất phát điểm thấp về kinh tế xã hội, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, 15, 16 đã vạch ra phương hướng chủ đạo để phá thế thuần nông, đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hưng Yên đã nhạy bén tận dụng cơ hội, vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương, có những chủ trương phù hợp và đưa ra mũi nhọn mang tính đột phá, xác định lĩnh vực trọng tâm để khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng trước mắt và lâu dài. Phát huy lợi thế của vùng trung tâm kinh tế đồng bằng Bắc Bộ lại nằm cận kề Thủ đô Hà Nội có Quốc lộ 5 chạy qua, Hưng Yên đã từng bước tạo dựng lại cơ nghiệp, phát triển kinh tế xã hội theo hướng chất lượng và toàn diện, tăng tốc và bền vững. Hàng loạt hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp mở rộng đường 38, 39A cùng hệ thống giao thông liên huyện, liên xã, xây dựng cầu Yên Lệnh qua sông Hồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng các trạm 110KV Kim Động, Phố Nối, Như Quỳnh, các nhà máy nước số 1, số 2 ... Rồi chủ trương phát triển kinh tế cho từng vùng sao cho hợp lý. Các huyện ven Quốc lộ 5 như Văn Lâm, Yên Mĩ, Mĩ Hào, Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên được qui hoạch để thu hút mời gọi các nhà đầu tư, hình thành khu công nghiệp tập trung, khu đô thị thương mại và du lịch. Các làng nghề truyền thống được khôi phục, nghề mới phát triển thêm. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch nhanh theo hướng giảm tỉ trọng cây lương thực, tăng cây công nghiệp, rau quả, chăn nuôi theo hướng thâm canh hàng hóa. Các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chuyển dịch nhanh cơ cấu nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

TP Hưng Yên trên đường đổi mới

*Trên đường hưng thịnh

Sau 15 năm nỗ lực vượt khó vươn lên, đất nhãn hôm nay cho mùa trái ngọt với nhiều chuyển biến mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12%/năm. So với năm 1997, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 24 triệu đồng, tăng hơn 6 lần. Thu ngân sách tăng bình quân trên 15%, năm 2011 đạt hơn 4.000 tỉ đồng. Dọc theo QL5 và QL39 đã phủ kín hơn 900 dự án đầu tư trong và ngoài nước, đã có gần 600 dự án hoạt động tạo việc làm cho hơn 9 vạn lao động. Về nông nghiệp, hàng nghìn ha đất 2 lúa ở Khoái Châu, Văn Giang đã chuyển từ ruộng thành vườn bốn mùa quả ngọt trái sai cho thu từ 200 đến hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Những đồng đất chiêm trũng như Ân Thi, Phù Cừ xưa chỉ độc canh 1 vụ lúa giờ là bờ xôi ruộng mật cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Năng suất lúa trung bình hàng năm trên 12 tấn/ha. Kinh tế trang trại phát triển mạnh với hơn 4000 mô hình, hơn 2.500 trang trại đạt tiêu chí liên bộ. Kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp nhanh, đồng bộ, QL 38, 39A đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, Đặc biệt cầu Yên Lệnh vươn qua sông Hồng nối Hưng Yên với tỉnh Hà Nam đã trở thành con đường huyết mạch nối nhịp Hưng Yên với các tỉnh lân cận và cả nước tạo bước phát triển mới. Rồi thành phố Hưng Yên trở thành đô thị loại 3 vào năm 2009 đang phát huy những giá trị của Phố Hiến một thời.

Cùng với những bước tiến về kinh tế, mọi mặt đời sống chính trị xã hội cũng khởi sắc. Về xây dựng Đảng, hàng năm có trên 80% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, cuộc vận động "Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" có sức lan tỏa rộng rãi với nhiều hoạt động phong phú. Toàn tỉnh hiện có 157 trường học đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ học sinh thi đỗ đại học hàng năm đạt trên 30%, Hưng Yên thuộc nhóm 5 tỉnh có tỉ lệ học sinh vào đại học cao nhất toàn quốc. Đề án khu Đại học Phố Hiến đang triển khai để sớm đi vào hoạt động để trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ của cả khu vực. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được coi trọng, hơn 90% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 10 trung tâm y tế huyện và 2 bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư nâng cấp, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Phát huy truyền thống quê hương văn hóa, Hưng Yên hiện có hơn 75% số làng, khu phố đạt tiêu chuẩn làng khu phố văn hóa.

Trong chặng đường mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đang mở ra những bước tiến mới, tạo tiền đề vững chắc để Hưng Yên vươn lên trong công cuộc CNH, HĐH. Trong không khi rộn ràng chuẩn bị Lễ kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 15 năm tái lập tỉnh, ông Nguyễn Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: "Trong mọi hoàn cảnh, Hưng Yên luôn vượt khó vươn lên, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì kinh tế xã hội phát triển vững bền, ổn định để trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020, đây là động lực để Hưng Yên vươn lên, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng toàn quốc lần thứ XI". Hưng Yên, một vùng quê bình yên đang thực sự chuyển mình trên con đường hưng thịnh./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=492729&co_id=30071