Hướng dẫn mới về quản lý, sử dụng phí bảo đảm hàng hải

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng phí bảo đảm hàng hải thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tại Thông tư, Bộ Tài chính quy định dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải bao gồm 7 nhóm hoạt động sau: Vận hành, bảo trì hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập; vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng; khảo sát phục vụ công bố thông báo hàng hải đối với luồng hàng hải công cộng (bao gồm cả vị trí đón trả hoa tiêu); sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình, tài sản bảo đảm an toàn hàng hải; nạo vét, duy tu luồng hàng hải để đảm bảo chuẩn tắc thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (không bao gồm công tác nạo vét đầu tư xây dựng mới luồng hàng hải)…; nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải.

Phí bảo đảm hàng hải thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước bao gồm: Phí bảo đảm hàng hải thu được từ các luồng hàng hải công cộng do Nhà nước đầu tư và phần phí bảo đảm hàng hải trích nộp ngân sách nhà nước thu được từ các luồng hàng hải chuyên dùng.

Các Cảng vụ hàng hải được để lại tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Số phí bảo đảm hàng hải sau khi trừ đi chi phí tổ chức thu, các Cảng vụ hàng hải thực hiện kê khai, nộp vào ngân sách trung ương và hạch toán vào tiểu mục và chương tương ứng.

Căn cứ nguồn thu phí bảo đảm hàng hải và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm hàng hải được bố trí từ ngân sách Trung ương hàng năm.

Việc tạm ứng kinh phí cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải được thực hiện theo quy định của hợp đồng nhưng không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết và không vượt dự toán giao hàng năm. Việc thu hồi số tiền tạm ứng bắt đầu từ lần thanh toán đầu tiên và thu hồi hết số tiền tạm ứng khi thanh toán lần cuối cùng của năm kế hoạch.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/4/2017 và áp dụng từ năm tài chính 2017. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, Thông tư số 119/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thu, quản lý, sử dụng nguồn thu phí bảo đảm hàng hải và cơ chế tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải sẽ hết hiệu lực thi hành.

Riêng việc quản lý, sử dụng phí bảo đảm hàng hải thu trên tuyến luồng Soài Rạp, kể từ ngày 1/1/2018 được thực hiện theo cơ chế thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

H.Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/huong-dan-moi-ve-quan-ly-su-dung-phi-bao-dam-hang-hai.aspx