Hướng đi mới cho những ca khúc trong chương trình âm nhạc ở trường phổ thông

Ca hát là một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của tuổi thơ - lứa tuổi học sinh đang được sống và học tập trong các trường phổ thông. Trong bộ môn Âm nhạc bao gồm những kiến thức về nhạc lý, tập đọc nhạc, âm nhạc thưởng thức thì nội dung dạy hát cho học sinh là một phần rất quan trọng, được chú ý và đề cao.

Nội dung này đang chiếm một thời lượng lớn trong các nội dung dạy âm nhạc ở trường phổ thông. Những bài hát được chọn giảng dạy cho học sinh phổ thông được ví như những cánh diều chở ước mơ của các thế hệ học trò bay cao, bay xa. Tuy vậy, hiện nay các em vẫn phải hát những bài hát cũ cách đây trên dưới 50 năm. Mặc dù đây là những bài hát hay, được phổ biến, lưu truyền qua nhiều năm tháng. Không phủ nhận đó là điều đáng quý nhưng nếu các em cứ hát đi hát lại chỉ một số bài quá cũ và trùng lặp quá nhiều thì cũng là vấn đề khiến chúng ta cần phải suy nghĩ...

Nhìn chung các bài hát trong chương trình môn Âm nhạc ở trường phổ thông hiện nay đã đáp ứng được các tiêu chí, định hướng cũng như quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Âm nhạc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Các bài hát được chọn là những bài hát thiếu nhi hay, phù hợp với lứa tuổi học trò, dễ hát, dễ thuộc, có nội dung trong sáng, lành mạnh, bao gồm các thể loại, các bài dân ca đại diện cho các vùng miền, những bài hát của các tác giả thuộc nhiều thế hệ khác nhau cũng như một số bài hát và dân ca nước ngoài...

Chủ điểm các bài hát thường nói về quê hương, đất nước, ca ngợi Bác Hồ kính yêu, về truyền thống dân tộc, gia đình, tình bạn bè, thầy cô và mái trường, ca ngợi hòa bình, tình hữu nghị giữa các dân tộc Việt Nam và thế giới, những bài hát về các trò chơi, sinh hoạt của thiếu nhi...

Trong những năm qua, trong quá trình học tập, nhìn chung học sinh đã tiếp thu được những bài hát trong chương trình, có khả năng cảm thụ, hát và biểu diễn tốt những bài hát đã được học ở nhà trường...

Điều đó cũng đã được khẳng định là trong các hội diễn, các cuộc thi ca nhạc cũng như trong các sinh hoạt, vui chơi... sự xuất hiện các bài hát trong sách giáo khoa có thể nói là rất nhiều bên cạnh các bài hát khác.

Ngoài những bài hát được giảng dạy chính thức trong nội khóa, sách giáo khoa còn cung cấp một số những bài hát khác để giáo viên có thể bổ sung, thay thế trong giờ dạy nội khóa cũng như ngoại khóa...

Học sinh đang thiếu bài hát cho lứa tuổi, khao khát có những bài hát mới và hay

Một thực tế đang được ghi nhận là trong những năm qua, việc tìm những bài hát cho trẻ em còn khó khăn. Các em thiếu nhi đang thiếu bài hát cho lứa tuổi của mình, luôn khao khát có những bài hát mới và hay. Các em vẫn phải hát những bài hát cũ cách đây đến trên dưới 50 năm, mặc dù là những bài hát hay, được phổ biến, lưu truyền qua nhiều năm tháng. Đó là điều đáng quý nhưng nếu các em cứ hát đi hát lại chỉ một số bài quá cũ và trùng lặp quá nhiều khiến chúng ta cần phải suy nghĩ. Hoặc các em phải hát những bài hát của người lớn, không phù hợp với lứa tuổi. Đó là chưa một số bài hát còn kém về nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật hay các bài hát của nước ngoài...

Trong chương trình và sách giáo khoa hiện nay mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng vẫn còn (có thể nói là rất ít) những bài hát chưa hay, khó, chưa phù hợp với học sinh. Đây là lý do của việc gây khó khăn trong việc giảng dạy của giáo viên, học sinh thì khó tiếp thu, không cảm thụ được bài hát và không sử dụng bài hát đó để tham gia các chương trình văn nghệ cũng như các hoạt động, sinh hoạt vui chơi... Một số bài hát có thể nói là đã quá cũ, quá quen thuộc đối với các em học sinh nên các em không hào hứng khi học hát...

Việc chọn lọc những bài hát để đưa vào sách giáo khoa trong trường phổ thông cần cẩn trọng để đáp ứng với những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Bài hát thiếu nhi thì nhiều nhưng việc chọn lựa được những bài hát hay, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với nội dung, chủ điểm và có tính thẩm mĩ, tính giáo dục là điều hết sức cần thiết.

Trong thực tế, đội ngũ những người sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay không nhiều. Những nhạc sĩ thuộc ”cây đa, cây đề” trong làng sáng tác cho thiếu nhi hiện nay mặc dù vẫn tràn đầy nhiệt huyết nhưng do điều kiện tuổi tác, sức khỏe nên sáng tác không đều đặn. Họ vẫn có sáng tác nhưng cũng khó có điều kiện để phổ biến tác phẩm để đến với công chúng. Mặt khác, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của các em hiện nay khác với trẻ em của thời gian trước. Các em có những nhu cầu thưởng thức, cách nhìn nhận, cách tiếp cận, cảm thụ âm nhạc khác với các thế hệ trước rất nhiều...

Những thế hệ nối tiếp trong làng sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay còn quá mỏng, chưa đáp ứng được với nhu cầu về thưởng thức âm nhạc của các em cả về số lượng cũng như chất lượng nghệ thuật... Điều đáng nói là càng ngày càng ít các nhạc sĩ chuyên tâm viết cho thiếu nhi.

Động viên, khuyến khích đông đảo các nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi

Để khắc phục tình trạng trên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các cơ quan đoàn thể, các ban ngành đã quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông nhất là vấn đề ca hát của các em với những định hướng cụ thể.

Ở trường phổ thông, học sinh học âm nhạc không để trở thành các nhà hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, để trở thành những ca sĩ, nhạc sĩ... mà học để có thể cảm thụ được cái hay cái đẹp trong âm nhạc, định hướng cho các em khả năng nhận biết các trào lưu âm nhạc trong sáng, lành mạnh, biết yêu thích và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì thế, việc sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu những bài hát hay, những bài dân ca các vùng miền phù hợp với lứa tuổi để đưa vào trong sách giáo khoa và giảng dạy trong nhà trường phổ thông là một trong những việc cần làm thường xuyên.

Trong thời gian tới, việc động viên, khuyến khích đông đảo các nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi là việc làm rất cần thiết. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về sáng tác âm nhạc cũng như các cuộc vận động sáng tác bài hát cho thiếu nhi bằng nhiều hình thức khác nhau để những người sáng tác âm nhạc chuyên và không chuyên trong cả nước có diễn đàn tham gia. Đây cũng là niềm hy vọng để các em học sinh có được những bài hát hay và phù hợp cho lứa tuổi của mình.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/huong-di-moi-cho-nhung-ca-khuc-trong-chuong-trinh-am-nhac-o-truong-pho-thong-3568918-l.html