Hương rừng - vị biển giao thoa tại sơ tuyển Chiếc thìa vàng

Cuộc so tài đầu tiên của Chiếc thìa vàng khu vực miền Trung là giữa các đầu bếp Tây Nguyên. Đem đến gia vị độc đáo, vòng sơ kết mở màn bằng sự hội ngộ của hương rừng - vị biển.

Sử dụng những nguyên vật liệu quen thuộc của rừng núi như ống trúc, lá rừng, trứng kiến…, các đầu bếp Tây Nguyên đã đem đến nét độc đáo cho vòng sơ tuyển miền Trung. Cuộc thi diễn ra vào ngày 2/8 tại Đà Nẵng với sự tham gia của 6 đội thi đến từ Kon Tum (2 đội), Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk (2 đội).

Đội thi Quán 79 Gia Bảo đến từ Kon Tum gây ấn tượng với ban giám khảo khi mang đến hơn 30 loại lá rừng và gia vị để chế biến món ăn. Nổi bật trong đó là hạt ươi - vị thuốc quý và hạt muối - loại quả rừng có hương vị chua mặn khác lạ.

Với thế mạnh của vùng đất của nông sản, đội thi Lâm Đồng mang đến nhiều loại trái cây đặc trưng như bơ, dâu, ớt Đà Lạt, atisô… kết hợp cùng các vật liệu đắt tiền, bổ dưỡng là cá mú, tổ yến, cá hồi… Các đầu bếp của khách sạn 5 sao duy nhất tại Đà Lạt khéo léo kết hợp trái của rừng với đặc sản biển.

Ban giám khảo thích thú khám phá tên và hương vị các loại gia vị từ rừng núi Tây Nguyên.

Sau 140 phút so tài, các đội thi trưng bày món ăn của mình để chờ sự đánh giá từ ban giám khảo. Sau khi nếm thử món súp hạt ươi hải sản ăn kèm salad hạt ươi trái cây, nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương đánh giá ngon, nước dùng thanh và “hạt ươi bung nở trong miệng, tạo cảm giác thú vị khi ăn”.

Các món ăn của đội Nhà hàng Thành Phát (Đắk Lắk) được ông Lý Sanh - Chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn nhận xét là đúng chủ đề, khai thác được các nguyên liệu tự nhiên như hạt dổi, hạt đác, lá vông, lá gừng, nhưng không rối, thực đơn hài hòa. Bên cạnh đó, các đầu bếp đã có cách chế biến đa dạng, kết hợp nguyên vật liệu vùng núi và đồng bằng.

Đầu bếp Trịnh Xuân Kỷ (Kon Tum) sáng tạo ra món “tam ba trứng kiến” với nguyên liệu là trứng kiến vàng chế biến theo 3 cách: xúc bánh tráng, làm chả và cuốn lá lốt. Anh đã dùng thành phẩm để xếp thành hình bản đồ Việt Nam, tuy nhiên món ăn này không nhận được sự đánh giá cao của ban giám khảo từ hương vị cho đến cách đặt tên.

Võ Duy Quang (Khách sạn Palace Đà Lạt, Lâm Đồng) là dầu bếp duy nhất chọn bánh ngọt làm món tráng miệng. Món ăn mang tên “bánh phô mai mềm hương chanh dây”. Tuy nhiên, món ăn này được chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long đánh giá phần lượng quá nhiều so với món chính, cần cân đối và hài hòa thực đơn hơn nữa.

Lần thứ 2 tham gia cuộc thi Chiếc thìa vàng, đầu bếp Nguyễn Đức Hoàng (Quán 79 Gia Bảo, Kon Tum) nhận được nhiều lời khen từ ban giám khảo. Giám khảo Bùi Thị Sương đánh giá cao việc đội thi đã kỳ công mang đến tất cả hương vị núi rừng, gia vị lạ giúp nền ẩm thực Việt Nam trở nên mới mẻ. Cách trình bày bàn tiệc cũng mang âm hưởng núi rừng với cồng chiêng và chiếc gùi.

Trải qua 3 phần thi so tài, vấn đáp, đội Quán 79 Gia Bảo (Kon Tum) đã đạt giải nhất với phần thưởng trị giá 40 triệu đồng. 2 giải nhì với phần thưởng trị giá 30 triệu đồng thuộc về đội Khách sạn Palace Đà Lạt (Lâm Đồng) và Nhà hàng Thành Phát (Đắk Lắk).

Chiếc thìa vàng mùa thứ 4 được tổ chức với chủ đề “Hương vị quê nhà thời hội nhập - Hành trình gia vị Việt”. Các tiêu chí đặt ra trong cuộc thi là tìm kiếm, bảo tồn, phát huy những món ăn dân dã; ngon và lành; quốc tế hóa món ăn Việt Nam bằng cách trang trí sang trọng; tôn vinh đầu bếp, nhà hàng làm giàu nền ẩm thực Việt; biến nền ẩm thực nước ta thành thương hiệu.

Trước đó vào ngày 7, 9 và 10/6, vòng sơ tuyển khu vực phía Nam đã diễn ra tại TP HCM với sự tranh tài của 41 đội thi, giành 20 tấm vé vào vòng bán kết. Sau buổi thi đầu tiên này, vòng sơ tuyển khu vực miền Trung sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 3 và 4/8 với sự tranh tài của 32 đội thi đến từ Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Zing.vn sẽ tường thuật trực tiếp ngày thi cuối cùng vòng sơ tuyển Chiếc thìa vàng tại Đà Nẵng từ sáng 4/8.

Giang Hoàng Nhơn
Ảnh: Ngọc Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/huong-rung-vi-bien-giao-thoa-tai-so-tuyen-chiec-thia-vang-post670838.html