Hướng tới đô thị cảng

(DĐDN) Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhu cầu về một đô thị cảng đang trở nên bức thiết do sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics.Trong số này, chúng tôi đặc biệt đi sâu vào vấn đề này với việc phỏng vấn Ông Trần Minh Sanh - Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT và bài viết nêu lên những bất cập, đưa ra những giải pháp để Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được mục tiêu hướng tới đô thị cảng.

Ông Sanh cho biết, khai thác có hiệu quả lợi thế là cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam VN, với mục tiêu tiến tới xây dựng BR-VT trở thành một đô thị cảng, BR - VT xem phát triển dịch vụ logistics và dịch vụ cảng biển là một nhiệm vụ đột phá được hiện đại hóa trước các ngành kinh tế khác, là chìa khóa thành công của chiến lược phát triển kinh tế.

- Thưa ông, đâu là tiền đề của một đô thị cảng ?

Hệ thống giao thông vận tải là cơ sở quan trọng trong việc phát triển dịch vụ logistics. Trên địa bàn tỉnh BR-VT có sông Thị Vải – Cái Mép và sông Dinh là hai luồng vận tải thủy quan trọng tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Trên hai con sông này có thể phát triển hệ thống cảng biển nước sâu cho tàu có trọng tải đến trên 100 ngàn tấn. Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5, cụm cảng BR-VT được Chính phủ phê duyệt quy hoạch để xây dựng và phát triển thành cụm cảng tổng hợp quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế, là động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, có khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa với tổng công suất thiết kế khoảng 236 triệu tấn/năm. Đến nay đã có 21 cảng đi vào hoạt động, trong năm 2011 sản lượng hàng hóa thông quan qua hệ thống cảng biển BR-VT đạt khoảng 50 triệu tấn. Các cảng còn lại đang trong quá trình triển khai xây đựng.

Hiện tại, tàu container trọng tải 130 ngàn tấn đã cập Cảng Quốc tế SP-PSA, Tân cảng Cái Mép và chạy thẳng đến các cảng của Hoa Kỳ, Châu Âu và nhiều quốc gia khác, giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa. Với vị trí địa lý thuận lợi, với lợi thế cảng nước sâu, BR-VT hội đủ điều kiện để trở thành nơi trung chuyển hàng hóa, thực hiện dịch vụ logistics cho cả khu vực.

Tiềm năng và lợi thế về phát triển dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics của BR-VT sẽ ngày càng được phát huy mạnh mẽ, trở thành cơ hội thực tế góp phần xây dựng nên vóc dáng của đô thị cảng trong tương lai, sau khi các dự án quan trọng như: đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, Quốc lộ 51 mở rộng, đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Vũng Tàu, đường sắt TP HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và sân bay Long Thành được đầu tư hoàn thành đồng bộ.

Chiến lược biển của VN đến năm 2020 đã xác định việc hình thành tuyến hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 51 là quan trọng nhất trong nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng biển và ven biển Đông Nam bộ. Việc phát triển tuyến hành lang kinh tế này sẽ tạo sự kết nối về mặt không gian kinh tế của BR-VT với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM; tạo điều kiện phát huy năng lực và thế mạnh của hệ thống cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép. Tỉnh BR-VT đã đề ra mục tiêu phát triển của tỉnh là: Phát triển mạnh kinh tế biển, xây dựng tỉnh BR-VT thành tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại vào năm 2015.

- Thưa ông, BR-VT đã thực hiện các giải pháp nào để phát triển mô hình đô thị cảng ?

Triển khai thực hiện các mục tiêu, kế hoạch trên, tỉnh đã quy hoạch và thành lập 14 KCN với tổng diện tích 8.800 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp khoảng 6.000 ha, đến nay đã cho thuê khoảng hơn 2.000 ha, đạt tỉ lệ khoảng 36%. Tính đến cuối tháng 5-2012, tại các khu công nghiệp đã có trên 250 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư quy đổi khoảng 15 tỉ USD, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất thép, phân bón, sản xuất vật liệu xây dựng, linh kiện điện tử, sản phẩm cơ khí, nhôm, kính, kho cảng… Ngoài ra, BR-VT đã quy hoạch 30 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.000 ha để thu hút dự án đầu tư của các DN vừa và nhỏ, khuyến khích phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn.

BR - VT có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm cảng trung chuyển nước sâu của khu vực

Để phát triển dịch vụ cảng và dịch vụ logistics, tỉnh BR-VT đã dành riêng quỹ đất khoảng 800 ha tại khu vực Cái Mép hạ, đồng thời quy hoạch phát triển 26 dự án cảng thủy nội địa, dịch vụ kho bãi… với tổng diện tích gần 1.100 ha. Tính chung, tổng diện tích đất quy hoạch dành cho phát triển dịch vụ logistics khoảng 2.000 ha và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng thêm tại những vị trí thuận lợi, tùy theo nhu cầu phát triển trong tương lai.

Song song với phát triển các khu công nghiệp, cảng biển, để tạo cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ cho tuyến hành lang kinh tế dọc quốc lộ 51, BR-VT đã quy hoạch phát triển hệ thống các đô thị như: Thành phố Vũng Tàu là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu của miền Đông Nam bộ và của tỉnh BR-VT, là trung tâm du lịch, dịch vụ hàng hải, phát triển cảng và khai thác dịch vụ dầu khí của cả nước; Đô thị Phú Mỹ (huyện Tân Thành) sẽ được xây dựng với tính chất chủ yếu là đô thị công nghiệp – cảng biển, trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh BR-VT; Thị xã Bà Rịa sẽ được xây dựng, phát triển với tính chất là trung tâm hành chính – chính trị của BR-VT, là trung tâm dịch vụ thương mại.

Phát triển dịch vụ logistics và dịch vụ cảng biển là điều kiện cơ bản để xây dựng BR-VT trở thành đô thị cảng.

Hệ thống các đô thị trên sẽ được kết nối với nhau trong một không gian kinh tế thống nhất, kết hợp với những đô thị của các địa phương khác trong Vùng, tạo thành hành lang kinh tế công nghiệp – cảng biển đồng bộ. Với quy hoạch và định hướng phát triển như trên, BR-VT đang từng bước xây dựng và phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị cảng trong tương lai.

- Ông đánh giá thế nào về những gì mà BR-VT đã làm được, chưa làm được ?

Tiềm năng và lợi thế phát triển dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics của BR-VT là rất lớn. Quy hoạch và định hướng xây dựng BR-VT trở thành đô thị cảng cũng rất rõ ràng và nhất quán. Song, có thể nói đến nay, sự phát triển của các loại hình dịch vụ này ở BR-VT vẫn còn khiêm tốn. Nếu dịch vụ logistics và dịch vụ cảng biển không được quan tâm thích đáng, phát triển chậm và không theo kịp với sự phát triển rất nhanh của hệ thống cảng trong giai đoạn này thì thực tế không chỉ bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng phát triển lĩnh vực quan trọng này, mà mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nâng cao tỉ trọng kinh tế dịch vụ sẽ không đạt được như mong muốn.

Quyết tâm dồn sức cho phát triển dịch vụ logistics và dịch vụ cảng biển là điều kiện cơ bản để xây dựng BR-VT trở thành một đô thị cảng trong tương lai. Chúng tôi tin tưởng, những ý kiến của các chuyên gia đầu ngành cảng biển và dịch vụ logistics trong và ngoài nước, kinh nghiệm thực tế từ các DN sẽ giúp BR-VT có được những giải pháp thiết thực, khả thi để đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông !

Chu Ngọc Mai thực hiện

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/2012053011233679cat7/huong-toi-do-thi-cang.htm