Hướng tới một Hiệp ước toàn cầu phòng, chống đại dịch

Sau khi đại dịch Covid-19 gây ra các đợt phong tỏa chưa từng có khiến các nền kinh tế đảo lộn và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cộng đồng toàn cầu đã nỗ lực đàm phán về một Hiệp ước quốc tế để giúp ứng phó tốt hơn với những kịch bản tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, đã trải qua 9 vòng đàm phán, Hiệp ước phòng, chống đại dịch toàn cầu vẫn đang đứng trước nhiều thách thức bất chấp mục tiêu phải đạt được thỏa thuận trong tháng 5 này.

Chưa thể hoàn thành

Vòng đàm phán thứ 9 và cuối cùng nhằm hoàn tất một Hiệp ước phòng, chống đại dịch toàn cầu đã kết thúc vào ngày 10.5 mà vẫn chưa đạt được đột phá mang tính bước ngoặt. Hiệp ước được kỳ vọng giúp bảo đảm rằng, khi một mối đe dọa đại dịch khác xuất hiện, tất cả các phản ứng liên quan - từ việc xác định và báo cáo về các mầm bệnh nguy hiểm cho đến cung cấp các công cụ như xét nghiệm lẫn vaccine trên cơ sở công bằng - đều được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.

Nguồn: dailymaverick.co.za

Nguồn: dailymaverick.co.za

Thực tế, các quốc gia thành viên đã yêu cầu WHO giám sát các cuộc đàm phán về một thỏa thuận về phòng, chống đại dịch từ năm 2021. Các đặc phái viên đã làm việc nhiều giờ trong những tuần gần đây để chuẩn bị một bản dự thảo trước thời hạn đặt ra vào cuối tháng này.

Theo kế hoạch, dự thảo trên được kỳ vọng đưa ra vào hôm 10.5, sau đó các cuộc thảo luận về việc hoàn thiện và cập nhật các quy định y tế quốc tế dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16 - 17.5. Cuối cùng, cả hai quy trình dự kiến sẽ được hoàn tất tại kỳ Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 77 được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 27.5 tới.

Tuy nhiên, tình trạng chia rẽ sâu sắc vẫn tồn tại khiến các cuộc đàm phán đã kết thúc hôm 10.5, mà chưa đạt được một dự thảo hiệp ước nào. Tuy lỡ hẹn, song tiến trình đàm phán sẽ được tiếp tục thúc đẩy trong những tuần tới với hy vọng sẽ đưa Hiệp ước chạm tới vạch đích.

Những ý kiến trái chiều

Theo các chuyên gia, đã có nhiều bất đồng sâu sắc nảy sinh trong suốt quá trình đàm phán, đặc biệt là về vấn đề làm thế nào để bảo đảm sự công bằng cũng như mốc thời gian đạt được thỏa thuận.

Các bên nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận về một số chi tiết gây tranh cãi nhất của hiệp ước, trong đó có nội dung liên quan đến “hệ thống tiếp cận mầm bệnh và chia sẻ lợi ích”, với thời hạn 2 năm. Hệ thống này dự kiến sẽ mã hóa quá trình chia sẻ dữ liệu về các chủng vi khuẩn, virus hoặc tác nhân có khả năng gây ra đại dịch, đồng thời bảo đảm rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi một cách công bằng từ việc nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị và phương pháp xét nghiệm.

Dự thảo hiệp ước bao gồm một điều khoản yêu cầu các nhà sản xuất dược phẩm quyên góp 10% số sản phẩm cho WHO và dành 10% cho cơ quan này với mức giá phải chăng để phân phối đến các nước nghèo hơn trong trường hợp khẩn cấp về y tế.

Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ gần đây đã viết thư lên chính quyền của Tổng thống Biden để chỉ trích dự thảo vì tập trung vào các vấn đề như “xé nhỏ quyền sở hữu trí tuệ” và “tăng cường sức mạnh cho WHO”, đồng thời kêu gọi ông chủ Nhà Trắng không tham gia Hiệp ước. Trong khi đó, ngày 8.5, tờ The Telegraph đưa tin Vương quốc Anh từ chối ký hiệp ước vì lo ngại sẽ phải cung cấp 20% số vaccine của nước này. Bộ Y tế Anh cho biết, họ sẽ chỉ đồng ý với một thỏa thuận "không đi ngược lại lợi ích quốc gia của Anh và tôn trọng chủ quyền quốc gia”.

Các quốc gia đang phát triển cũng cho rằng, sẽ không công bằng khi họ có thể phải cung cấp các mẫu virus để giúp phát triển vaccine và phương pháp điều trị, nhưng sau đó lại không đủ khả năng chi trả. Bà Sara Davies, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Griffith ở Australia đánh giá: “Hiệp ước phòng, chống đại dịch này là đặt ra mục tiêu rất cao, nhưng lại không tính đến thực tế chính trị”. Chẳng hạn, Hiệp ước đang cố gắng giải quyết "khoảng cách vaccine" giữa nước giàu và nước nghèo từng xảy ra trong giai đoạn Covid-19. Song đây vốn là điều mà Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng đánh giá là “sự thất bại thảm khốc về mặt đạo đức”.

Theo ông Adam Kamradt-Scott, chuyên gia y tế toàn cầu tại Đại học Harvard, tương tự như các thỏa thuận khí hậu toàn cầu, dự thảo hiệp ước ít nhất sẽ cung cấp một diễn đàn mới để các quốc gia buộc phải chịu trách nhiệm, nơi các Chính phủ sẽ phải giải thích rằng họ đã thực hiện những biện pháp gì.

Bà Suerie Moon, đồng Giám đốc Trung tâm Y tế toàn cầu tại Viện sau đại học Geneva cho rằng, điều quan trọng là xác định vai trò của WHO trong đại dịch và cách ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trước khi lan rộng trên toàn cầu. “Nếu chúng ta không nắm bắt được cánh cửa cơ hội đang đóng lại này… chúng ta sẽ dễ bị tổn thương như năm 2019”, bà cảnh báo.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia về luật y tế toàn cầu Alexandra Phelan tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ, nhận định, thỏa thuận thất bại “sẽ làm tổn thương sức khỏe và an ninh toàn cầu nhiều hơn so với khi quá trình này chưa bắt đầu”.

Các chuyên gia cũng đánh giá, việc đạt được thỏa thuận sẽ là cơ hội ngàn năm có một để bảo vệ thế giới trong tương lai. Bởi chỉ có một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ về phòng, chống đại dịch mới có thể bảo vệ thế giới khỏi sự tái diễn của tình trạng tàn phá kinh tế - xã hội trên diện rộng mà Covid-19 gây ra. Việc đạt được thỏa thuận sẽ giống như một tuyên bố rằng, chúng ta giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau hợp tác trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng mới. Đại dịch Covid-19 đã để lại bài học lớn: “Không ai an toàn ở bất cứ đâu cho đến khi tất cả đều an toàn ở mọi nơi”. An ninh y tế toàn cầu chỉ có thể thực hiện được nếu thế giới xây dựng được hệ thống phòng thủ vững chắc chống lại tất cả các mầm bệnh có khả năng gây đại dịch. Đưa ra cam kết hành động đa phương hiệu quả sẽ cho thấy, trong lĩnh vực y tế, cũng như an ninh khí hậu và ứng phó nhân đạo, hợp tác toàn cầu có thể mang lại các giải pháp cho toàn nhân loại.

Linh Anh (Theo The Associated Press, PS, Telegraph)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/huong-toi-mot-hiep-uoc-toan-cau-phong-chong-dai-dich-i371654/